Con đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh” - cái tên đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh - là một quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến. Cùng với đó, nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sự sáng tạo và phát triển.
* Quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược
Hiệp Định Gieneve tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời là hậu phương cho tiền tuyến miền Nam giành lại chính quyền đang đặt dưới sự cai trị ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra nhu cầu bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.
Con đường mòn xuyên dãy Trường Sơn đã được sử dụng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Những đoàn quân chiến đấu, những chuyến xe thồ, những gùi lương thực, đạn dược đã theo con đường này tỏa ra các mặt trận từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, quy mô của nó không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh; cho nên, việc khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Trường Sơn thật sự cấp thiết.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559 để xây dựng đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia. Do ngày thành lập Đoàn 559 trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây, con đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh” - cái tên đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở phía Tây Nam Vĩnh Linh (Quảng Trị) - làm địa điểm xuất phát để tiến vào dãy Trường Sơn “soi đường”, lập trạm. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, chuyến hàng đầu tiên được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến, vì mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.
Như vậy, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh được hình thành là kết quả của đường lối cách mạng độc lập, sáng tạo của Đảng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên cả hai miền Nam - Bắc, động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc chi viện cho chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
* Nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng
Quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam. Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tổ chức, xây dựng tuyến chi viện chiến lược theo quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân, phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại.
Từ những đường mòn nhỏ hẹp ở Đông Trường Sơn, chỉ sau 5 năm hoạt động, Đoàn 559 cùng các đơn vị vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xây dựng được tuyến hành lang vận tải, với tổng chiều dài gần 2.000 km, gồm đường cơ giới, đường gùi thồ, đường giao liên và đường sông, hoạt động ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn xa tới Lộc Ninh (Bình Phước), gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, với tổng chiều dài gần 17.000 km đường xe cơ giới, trên 3.000 km đường giao liên, gần 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… tạo thành một thế trận đường chiến lược xuyên Bắc-Nam, đi qua các nước bạn Lào, Campuchia, vươn tới các chiến trường, các địa phương một cách liên hoàn, đồng bộ, thông suốt, bắt kịp thời cơ “thần tốc” mở đường, đáp ứng yêu cầu vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam.
Khởi đầu từ Tiểu đoàn giao liên vận tải bộ 301 - đơn vị vận tải bí mật, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, quy mô nhỏ, với lực lượng gần 500 cán bộ, chiến sĩ. Sau hai năm, Đoàn 559 đã phát triển thành lực lượng tương đương cấp sư đoàn, với quân số 6.000 người; sau 6 năm phát triển thành lực lượng tương đương cấp quân khu. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn phát triển lên đến gần 12 vạn người, với sự đa dạng về thành phần lực lượng, được tổ chức thành nhiều trung đoàn, sư đoàn binh chủng và các cục nghiệp vụ.
Từ phương thức hoạt động phòng tránh bị động, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tiến tới phòng tránh tích cực với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Từ vận tải chủ yếu vào ban đêm để tránh địch phát hiện, đánh phá, Bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang vận chuyển cả ban ngày trên hàng nghìn ki-lô-mét “đường kín” (là các con đường chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn), đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Bộ đội Trường Sơn.
Trải qua 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại - đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh - con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, từ những đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, vươn xa, tạo thành mạng lưới vận tải cơ giới đường bộ, đường sông hoàn chỉnh, trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam; biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
* Nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến chi viện, căn cứ chiến lược mà còn là một hướng chiến trường trọng yếu, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Từ năm 1959 đến năm 1975, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng nhiều cách hòng cắt đứt tuyến đường, chia cắt hậu phương và các chiến trường. Chúng đã biến Trường Sơn thành trọng điểm đánh phá, là chiến trường thực nghiệm các chiến lược như “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh hóa học”, với đủ loại vũ khí, thiết bị, phương tiện chiến tranh tối tân. Đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã phải hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, cùng chất độc hóa học do địch trút xuống. Hơn thế nữa, Mỹ-ngụy còn huy động số lượng lớn binh lực và phương tiện chiến tranh, tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân đánh phá, chia cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Để đánh bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện thắng lợi phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, quân, dân ta trên đường Hồ Chí Minh luôn gắn liền vận chuyển với chiến đấu, chiến đấu là điều kiện tiên quyết để vận chuyển thắng lợi. Trên từng cung đường, mỗi chiến công của nhiệm vụ vận tải luôn đi cùng với những thành tích đánh địch bảo vệ đường, kho, trạm. Các lực lượng ta ở Trường Sơn còn tích cực, chủ động thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đập tan chiến lược “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ.
Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng: công binh, vận tải (ô tô, đường sông, đường ống), phòng không-không quân, bộ binh, giao liên, thông tin, hóa học, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và cả quân dân các địa phương nơi tuyến đường đi qua cùng tham gia mở đường, vận tải hàng hóa cho chiến trường, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-đường Hồ chí Minh - trở thành nơi hội tụ tiêu biểu của chiến tranh nhân dân Việt Nam; thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng bởi chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.
Nhà báo Jacques C. Despuech, tác giả cuốn sách "Cuộc tấn công ngày Chúa lên trời", từng ở Việt Nam trong nhiều năm khi đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, nhận xét: "con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục nghìn km bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc, con đường của tâm linh, nên có sức bền vững diệu kỳ...".
Thực tế đã chứng minh, mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng”.
Thực tiễn của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định: vận dụng và phát huy hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc luôn là yêu cầu tất yếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu từ đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh - một sáng tạo chiến lược của Đảng và là một trong những nhân tố thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.