Văn hóa

75 năm Thi đua ái quốc: Nhân rộng điển hình tiên tiến ở vùng cao biên giới Lai Châu

Lai Châu

Từ một bản 100% người Mông nghèo, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành một bản du lịch cộng đồng điển hình của tỉnh Lai Châu.

Phong cảnh Lai Châu - Ảnh: Quý Trung/TTXVN

TTXVN-Là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu luôn quan tâm, động viên và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tỉnh có nhiều gương điển hình tiên tiến trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hảng A Xà (sinh năm 1975, dân tộc Mông, ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) là một điển hình.

Bản biên giới Sin Suối Hồ có 148 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mông. Từ một bản toàn hộ nghèo, số người nghiện ma túy chiếm trên 80%, sau 10 năm bản chỉ còn 1% người nghiện. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của ông Hảng A Xà.

Ông Xà sinh ra và lớn lên tại bản Sin Suối Hồ. Là Mục sư Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, ông Xà thường xuyên vận động bà con, tín đồ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; không tin và nghe theo kẻ xấu xuyên tạc chủ trương, chính sách nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn và hình thành cộng đồng tín đồ đoàn kết.

Sống trong gia đình có 12 anh chị em, ông thấm thía thời thơ ấu với bữa cơm luôn thiếu gạo trắng, không có cơm ăn nhưng thuốc phiện không thể thiếu. Ông Hảng A Xà nhớ lại, từ năm 1995 trở về trước, Sin Suối Hồ là vùng trồng cây thuốc phiện lâu năm, tỷ lệ người nghiện ngày một tăng. Từ đó, kinh tế chậm phát triển, 100% là hộ nghèo. Khi đó, ông mới 20 tuổi nhưng quyết tâm phải giúp người dân cai nghiện ma túy, có như vậy bản mới phát triển được.

Nghĩ là làm, anh Hảng A Xà đã cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, già làng và những người không nghiện đến từng nhà vận động. Trước tiên, họ đập bỏ hết điếu hút, sau đó đưa những người nghiện lên các lán trại ở trên nương, trên rừng để cai nghiện thuốc phiện. Hàng ngày, những người cai nghiện này sẽ được người thân và người có uy tín trong bản tiếp tế thức ăn để đảm bảo sức khỏe. Cứ như vậy, người cũ cai cho người mới. Đến khi trở về bản, họ luôn có người kèm để không có cơ hội tái nghiện. Ròng rã, kiên trì trong 10 năm (từ 1995 - 2005), bản làng cơ bản xóa bỏ thuốc phiện.

Từ một người nghiện thuốc phiện chỉ biết chơi bời, không giúp đỡ được gia đình, đến nay, ông Chang A Hảng, bản Sin Suối Hồ đã xây được nhà, phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Ông Chang A Hảng chia sẻ: Ông nghiện thuốc phiện từ năm 1990. Khi được chú A Xà và chính quyền vận động đi cai nghiện, ông đã cùng nhiều người lên nương để cai. Qua 5 năm, ông mới cai nghiện thành công. Từ đó, ông thấy sức khỏe tốt hơn và dựng nhà ở gần chợ, mở quầy hàng tạp hóa nhỏ. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định, khấm khá hơn.

Giúp nhiều người trong bản cai nghiện thuốc phiện, từ năm 2005 - 2010, ông Hảng A Xà đã cùng Trưởng bản, những người có uy tín tiếp tục vận động đồng bào Mông nơi đây thay đổi thói quen, từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng kinh tế và nếp sống văn minh. Đầu tiên, họ đề nghị chính quyền xã hỗ trợ một phần kinh phí để người dân góp sức xây dựng 5km đường bê tông trong bản. Chưa đầy một năm, con đường đã hoàn thành.

Khi có đường bê tông cứng hóa, người dân tiếp tục thay đổi tư duy bảo vệ rừng, không chặt phá rừng như trước. Bà con quy hoạch lại chuồng gà, chuồng lợn, trâu bò để nuôi nhốt, không thả rông. Mỗi hộ gia đình có một hố rác riêng để bảo vệ môi trường. Bà con tập trung phát triển kinh tế, nhân giống cây địa lan, trồng cây thảo quả và xây dựng chợ với 54 gian hàng để trao đổi các nông sản của gia đình. Cùng với phát triển kinh tế, người dân còn quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn trong những phiên chợ.

Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, bản Sin Suối Hồ dần hình thành du lịch cộng đồng. Năm 2015, bản được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Cuối năm 2018, ông Hảng A Xà tiếp tục thành lập Hợp tác xã trái tim Sin Suối Hồ gồm 12 hộ gia đình tham gia nhằm liên kết, phát triển du lịch.

Từ một bản 100% người Mông nghèo, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành một bản du lịch cộng đồng điển hình của tỉnh Lai Châu. Bản có 10% con em đi học đại học, cao đẳng; 100% các hộ trong bản tham gia làm du lịch. Từ không có kinh tế, đến nay, mỗi hộ dân trong bản có thu nhập từ 100 - 400 triệu/năm. Toàn bộ đồng bào dân tộc Mông thực hiện "5 không" gồm: không nghiện, không rác thải, không bạo lực gia đình, không tệ nạn xã hội và không sinh con thứ 3. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tổ chức ở Indonesia, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Ông Hảng A Xà chia sẻ, để Sin Suối Hồ có được thành quả như ngày nay phải trải qua 5 bước là: cai nghiện, thay đổi tư duy, làm mặt bằng, đào tạo nhân lực và tạo ra sản phẩm đặc trưng. Muốn bà con tin, mình phải là người tiên phong thực hiện. Khi người dân đã thuận, họ sẽ tự nguyện làm theo.

Đánh giá về những đóng góp của Mục sư Hảng A Xà trong xây dựng cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim nhấn mạnh, ông Hảng A Xà là gương điển hình có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện. Cách làm sáng tạo của Mục sư trong cai nghiện ma túy ở cộng đồng là "điểm sáng" huyện Phong Thổ cũng như tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, Mục sư là người tiên phong và hướng dẫn, giúp đỡ người dân làm du lịch, từng bước xây dựng bản Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch tiêu biểu của huyện và tỉnh. Với những đóng góp của mình, UBND huyện Phong Thổ, UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Mục sư Hảng A Xà nhiều Bằng khen./.

PV

Xem thêm