79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 : Từ Cố đô lịch sử đến thành phố “trẻ” trực thuộc Trung ương
Phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa lớn về đường bộ, đường không và cảng biển.
Trong quá trình phát triển đi lên và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước hiện nay, Việt Nam tự hào có một Cố đô Huế cổ kính, giàu bản sắc văn hóa truyền thống với 6 di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng và trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2025; một đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, mang tầm vóc quốc tế trong tương lai.
Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, vùng đất Thừa Thiên - Huế có vị trí đặc biệt, gắn với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của các thế hệ người Việt. Nơi đây từng là thủ phủ của Đàng Trong từ thế kỷ XVII - XVIII và trở thành kinh đô của đất nước ta dưới hai triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945). Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Huế trở thành Cố đô của Việt Nam.
Hiện nay, mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế; trong đó, du khách không thể bỏ qua địa điểm Ngọ Môn - biểu tượng của Kinh đô Huế xưa. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều biến động của thời cuộc; trong đó có sự kiện lễ thoái vị của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến (cách đây đúng 79 năm vào chiều 30/8/1945), mở ra một trang sử mới của dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nhận thức được giá trị và tầm vóc của những di sản mà tiền nhân để lại, những năm qua với sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Qua 30 năm, từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Từ năm 2019 đến nay, thành phố Huế thực hiện Dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” với hàng ngàn hộ dân được di dời đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích, làm tiền đề cho việc tu bổ, lấy lại diện mạo của Kinh thành Huế xưa.
Bên cạnh điểm sáng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đặt nhà máy sản xuất. Qua đó, từng bước mở rộng quy mô nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa lớn về đường bộ, đường không và cảng biển. Năm 2023, Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế khai thác 5 triệu hành khách/năm.
Đầu năm 2025, hai dự án giao thông lớn của tỉnh dự kiến sẽ về đích là: Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An có tổng chiều dài gần 8 km với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 1.855 tỷ đồng (thuộc tuyến đường vành đai 3, là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố). Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế hiện đang triển khai dự án làm tuyến đê chắn sóng giai đoạn 2 tại Cảng nước sâu Chân Mây với tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng; đồng thời, kêu gọi đầu tư hạ tầng bến số 4,5,6 cùng hệ thống kho, bãi, từ đó hình thành trung tâm logistics hậu cần giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tính cạnh tranh của cảng biển quan trọng này…
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế có 6 khu công nghiệp diện tích 2.400 ha với 109 dự án đang hoạt động, 48 dự án đang triển khai. Mới đây, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ở huyện Phú Lộc, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế cùng đối tác đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ Kim Long Huế (thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motor Huế) có tổng mức đầu tư 260 triệu USD; dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2025 với mức độ tự động hóa lên đến 90%.
Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế - dự án trọng điểm của tỉnh hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Từ tháng 2/2024 đến nay, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế đã chính thức đi vào sản xuất các loại xe giường nằm, xe ghế ngồi, xe city bus, xe mini bus. Với những thành công bước đầu, nhà đầu tư đang lập hồ sơ điều chỉnh nâng tổng vốn đầu tư dự án lên khoảng 21.000 tỷ đồng. Theo ông Lý Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Kim Long Motor, việc lựa chọn Thừa Thiên - Huế là điểm đến đầu tư dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, công ty mong muốn đóng góp tạo dựng nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ cao cho địa phương. Qua đó, góp phần đưa vùng đất Cố đô Huế, vốn gắn liền với lịch sử, văn hóa lâu đời bừng lên những nhịp sống công nghiệp thời đại mới.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 làm cơ sở để địa phương tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I, trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo điều kiện trình đề nghị Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Theo Đề án, thành phố Huế trực thuộc Trung ương gồm hai quận nội thị là: Quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. Các đô thị trực thuộc là thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền. Các huyện ngoại thành gồm: Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc và Nam Đông.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu chia sẻ, quy hoạch tỉnh được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; mở ra không gian phát triển mới, cơ hội mới. Tỉnh cam kết nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng; biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; đồng thời, luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Từ Cố đô lịch sử tiến tới trở thành một thành phố “trẻ” trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế đang hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm bứt phá để bắt nhịp với sự phát triển chung của đất nước./.