Vụ án có 23 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới và một số lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Sáng 15/7, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đưa vụ án "tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn" xảy ra tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra xét xử sơ thẩm.
Vụ án có 23 bị cáo (15 bị cáo bị bắt tạm giam, 8 bị cáo được cho tại ngoại) nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) và một số lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Trong các bị cáo có nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Chợ Mới (tỉnh An Giang) Nguyễn Hồng Viễn; nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) Vũ Minh Thao.
Các bị cáo còn lại gồm: Nguyên Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Chợ Mới (An Giang), nguyên Trưởng và Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, nguyên Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Mới; nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND các xã Tấn Mỹ, Hòa An, Hòa Bình, Hội An (tỉnh An Giang) cùng các bị cáo là lãnh đạo công ty xây dựng, tư vấn, thiết kế và cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Riêng bị can Ngô Hoàng Hiếu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang đã chết do bệnh lý trong quá trình bị tạm giam. Ngoài 23 bị cáo, phiên tòa cũng triệu tập 33 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và nhân chứng của vụ án.
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến 2021, UBND huyện Chợ Mới còn khoản nợ tiền tiếp khách, chi hoạt động thăm hỏi, chúc Tết của nhiều năm. Cụ thể, nợ ông Lê Văn Dứt (chủ quán Út Lanh) hơn 275 triệu đồng, bà Nguyễn Tuyết Phương (cán bộ, kế toán Công an huyện Chợ Mới) 300 triệu đồng và tạm ứng của phòng Tài chính kế hoạch hơn 1,3 tỷ đồng.
Do đó, thường trực UBND huyện Chợ Mới tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các ông Ngô Hoàng Hiếu, Vũ Minh Thao, Nguyễn Hồng Viễn, Nguyễn Văn Ven - Chánh Văn phòng HĐND-UBND (đã chết trong quá trình vụ án đang được điều tra), Lê Quốc Điền và Nguyễn Tuấn Minh đều là Phó Chánh Văn phòng để bàn phương án tìm nguồn tiền trả nợ.
Tại các cuộc họp, Ngô Hoàng Hiếu chỉ đạo chọn xã để yêu cầu thanh, quyết toán kinh phí các công trình lấy tiền gửi về cho UBND huyện sử dụng; đồng thời giao Nguyễn Hồng Viễn cùng Văn phòng HĐND-UBND huyện liên hệ chọn xã rồi tham mưu Thường trực UBND huyện. Sau các cuộc họp, Nguyễn Hồng Viễn trực tiếp hoặc phân công Ven, Điền hoặc Minh liên hệ với chủ tịch UBND các xã Hòa An, Tấn Mỹ, Hòa Bình, Hội An để yêu cầu quyết toán lấy tiền gửi về huyện.
Thực hiện ý kiến trên, các Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã gồm Lưu Văn Khôn (xã Hòa An), Trần Hữu Đức, Nguyễn Thị Bích Liễu (cùng xã Tấn Mỹ), Đặng Thanh Bình (xã Hòa Bình), Bùi Minh Trí (xã Hội An) đã bàn bạc cùng các doanh nghiệp, lập hồ sơ khống 13 công trình và giảm thi công một số hạng mục của 5 công trình đang thi công. Sau đó, nhóm làm thủ tục quyết toán khống, lấy tiền gửi về UBND huyện Chợ Mới, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng.
Đây là lần thứ hai vụ án được đưa ra xét xử. Trước đó, ngày 3/7, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên sau phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hai luật sư của 4 bị cáo gồm Điền, Thao, Tâm và Khải có đơn xin hoãn phiên tòa. Đồng thời, 4 bị cáo này yêu cầu tạm hoãn phiên tòa, bao giờ có sự tham gia của luật sư mới tiến hành xét xử. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa cũng đề nghị Hội đồng xét xử tạm hoãn phiên tòa. Sau khi Hội đồng xét xử sơ thẩm hội ý, đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bị cáo.
Phiên tòa dự kiến xét xử từ ngày 15-18/7/2024./.
Công Mạo
- Từ khóa:
- An Giang
- Xét xử
- cựu cán bộ huyện
- tham ô tài sản