Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước và đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trên cả nước.
TTXVN - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 333/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc giàu truyền thống cách mạng, là nơi bắt nguồn 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho lực lượng Thanh niên xung phong: "Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên"; con người Bắc Kạn cần cù, chịu khó, chân thành, thân thiện, mộc mạc, năng động, sáng tạo và hiếu khách. Tỉnh Bắc Kạn có diện tích tự nhiên rộng trên 4,8 nghìn km2, dân số hơn 320 nghìn người với mật độ dân cư khoảng 67 người/km2, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 88% dân số; có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có tiềm năng phát triển du lịch với hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt, một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,7%, đứng thứ 6/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và xếp thứ 34/63 các tỉnh, thành phố; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với khu vực dịch vụ chiếm 51,9%; sản xuất công nghiệp tăng 10,8%; thương mại và dịch vụ phát triển khá; du lịch phục hồi nhanh với lượng khách du lịch tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ…
Phấn đấu năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá
Trong thời gian tới, Bắc Kạn cần quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn xã hội, tinh thần tự lực, tự cường, tự tin vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình; không trông chờ, ỷ lại, không mất bình tĩnh khi gặp khó khăn, không quá lạc quan khi gặp thuận lợi; phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước và đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ nhân dân. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và các cấp cơ sở để tạo việc làm, thu hút đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Chú trọng đầu tư, có giải pháp phù hợp để khắc phục các khó khăn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng mạng lưới cấp điện, cấp nước, hạ tầng thông tin từ nguồn nội lực và huy động các nguồn đóng góp tự nguyện từ xã hội.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, chiến lược
Bắc Kạn cần thực hiện tốt công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, chiến lược để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8/2023.
Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược; tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, huy động vốn và thực hiện công tác quy hoạch; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công và đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp với quy mô phù hợp, ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế rừng; tập trung thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng theo hướng kết nối liên vùng, lưu vực sông, lấy hồ Ba Bể làm trung tâm để tạo chuỗi giá trị "Một hành trình, nhiều điểm đến" gắn liền với quảng bá, phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc và con người Bắc Kạn.
Bắc Kạn cần quyết liệt thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trường Dân tộc nội trú và bán trú; thực hiện tốt các chính sách cử tuyển cho đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, kế hoạch đào tạo nhân lực y tế từ xa; có chế độ chính sách phù hợp đối với y tế cơ sở, nhân lực y tế tại các thôn, bản, đặc biệt là các đối tượng đã được đào tạo để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào từ cơ sở, từ sớm, từ xa.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình/Đề án cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, coi nguồn nhân lực là trụ cột, động lực, nội lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Có giải pháp cấp điện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả cho các thôn, bản chưa có điện
Đối với các kiến nghị của tỉnh, về các kiến nghị liên quan đến Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải; UBND các tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của tỉnh về việc sử dụng vốn ngân sách trung ương bố trí cho Dự án để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành Dự án đúng tiến độ đề ra, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2023.
Thủ tướng giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn 2 tỉnh: Bắc Kạn và Tuyên Quang thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng đối với đoạn tuyến Ba Bể kết nối sang Na Hang của Dự án theo quy định hiện hành trong tháng 8/2023; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hai tỉnh: Bắc Kạn và Tuyên Quang xây dựng Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho đoạn tuyến Ba Bể kết nối sang Na Hang theo quy định hiện hành trong tháng 8/2023, bảo đảm thống nhất chung trong Dự án và phần đoạn tuyến đã thực hiện xong; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Về hỗ trợ vốn để triển khai đầu tư các công trình cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn rà soát, ưu tiên sử dụng số vốn đầu tư công đã được giao trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn lực xã hội để nghiên cứu, có giải pháp cấp điện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả cho các thôn, bản chưa có điện.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu về nguồn vốn, cơ chế tài chính thực hiện Chương trình "Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025", báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý III/2023./.