Tham gia câu lạc bộ, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, tuần hoàn, cách ly dịch bệnh, triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm, từ xa
Ngày 28/8, tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Lễ thành lập Câu lạc bộ Nuôi trồng thủy sản bền vững. Sự kiện nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp chính quyền, nông dân và người nuôi tôm công nghệ cao.
Bà Thạch Thị Duyên Thy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, tham gia câu lạc bộ, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, tuần hoàn, cách ly dịch bệnh, triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm, từ xa; hướng tới đạt chuẩn ASC (bộ tiêu chí gồm 4 nền tảng chính: môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm); đồng thời, hỗ trợ người nuôi tôm giảm chi phí; nhân công và giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn cho rằng, nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên hàng đầu của các địa phương, hộ nuôi. Việc thành lập Câu lạc bộ Nuôi trồng thủy sản bền vững sẽ là tiền đề quan trọng để các hộ nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, giảm ô nhiễm môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để thực hiện thành công việc nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, trong thời gian tới, Bạc Liêu xác định khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng; đặc biệt là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh.
Bạc Liêu hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ 2022. Trong đó, tôm đông lạnh ước đạt 973,6 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.
Trong 7 tháng của năm 2024, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, toàn tỉnh xuất khẩu được trên 560 triệu USD, đạt gần 50% kế hoạch, tăng trên 8,5% so với cùng kỳ 2023 (trong đó tôm đông lạnh ước đạt gần 534 triệu USD)./.