Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng”.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được đẩy mạnh và quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; có sự kết hợp hiệu quả giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp.
Các cơ quan báo chí cùng đội ngũ nhà báo đã đóng góp công sức của mình vào thành quả chung đó.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 30/6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng”.
Còn tại phiên họp thứ 25 (ngày 1/2/2024), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết luận: Trong năm 2023 các cơ quan truyền thông, báo chí đã đăng tải hơn 27.000 tin, bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2022, tạo sự lan tỏa lớn, đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, trong đội ngũ nhà báo đã xuất hiện những tấm gương bất chấp hiểm nguy, dấn thân để dùng ngòi bút lôi ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực, cung cấp cho các cơ quan điều tra chứng cứ về những hành vi tham nhũng, hối lộ, sai phạm kinh tế, lợi dụng chức quyền…
Nhưng bức tranh báo chí chống tiêu cực không chỉ toàn màu hồng.
Cũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: Cần phải khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng nhưng đồng thời phải kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.
Về việc thông tin một chiều, một số nhà báo chỉ mải mê với đề tài “chống”. Họ thờ ơ với chủ đề “xây”, coi đó là công việc nhàn nhạt dành cho các tay bút “tầm trung”, là chức năng của các cơ quan tuyên truyền thuần túy. Viết về người tốt, việc tốt không phải “nằm gai nếm mật” nhưng rõ ràng là khó tạo được “hiệu ứng tiếng vang” cho tác giả như khi viết loạt bài “chống quan tham”. Ở đây khái niệm “quyền lực thứ tư” của báo chí được thổi phồng và bị sử dụng sai cách.
Xã hội qua con chữ ở không ít tờ báo dường như toàn màu xám hoặc tràn ngập chuyện vụn vặt, ít điều hay, người tốt.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn người làm báo: “Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”.
Về việc thông tin không chính xác, ở thời đại công nghệ 4.0 các phóng viên không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải ganh đua với những “nhà báo nhân dân”. Bởi lẽ, hiện nay chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là bất kỳ ai cũng có thể “tác nghiệp báo chí”. Sợ chậm chân hơn mạng xã hội, các phóng viên vội vàng đưa tin về các vụ việc (thường là mang tính tiêu cực) mà không kịp thẩm định. Bên cạnh đó, thông tin tràn ngập trên không gian mạng, thật giả lẫn lộn khiến những người làm báo ít kinh nghiệm, thiếu sự nhạy bén như lạc vào mê hồn trận.
Về việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, kích động, gây hoang mang, một số ít nhà báo thiếu tu dưỡng đạo đức đã không vượt qua được sự cám dỗ vật chất nên đã “bẻ cong ngòi bút”, tham gia các nhóm lợi ích. Họ mượn danh chống tham nhũng, tiêu cực để “đánh” nhóm này, bảo vệ ngành kia, dìm sản phẩm A để nâng giá trị ảo của công nghệ B…
Hành vi trên đi ngược lại với Điều 8 trong “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí” gồm 10 điều đã được Đại hội lần thứ VI của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 3/1995) thông qua: “Nhà báo luôn luôn giữ phẩm chất trong sáng, không vụ lợi. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà cố tình công bố hoặc bỏ qua không công bố một thông tin. Nhà báo không được dùng uy tín của mình để trục lợi”.
Về việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá, ngay cả một vài nhà báo từng được rèn luyện trong quân ngũ và đạt được ít nhiều thành công trong nghề nghiệp cũng có thể sa vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do sa sút nhận thức chính trị.
Họ viết báo như một hình thức phản biện xã hội, mục đích có vẻ là nhằm đả phá cái xấu. Song, kết cục là những câu chữ lắt léo lại gây tác hại không nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chống tiêu cực, nhưng họ không chỉ ra được nguyên nhân của từng hiện tượng cụ thể mà ngầm để người đọc hiểu đó là “bản chất chế độ”. Có người sử dụng ngòi bút như một nguồn vốn đầu tư cho tham vọng chính trị cá nhân và đặt nó lên trên lợi ích dân tộc.
Ngay từ Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác Hồ đã hết sức lưu ý đội ngũ cầm bút: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết”.
Đến năm 2018, Điều 75 thuộc Luật Phòng, chống tham nhũng một lần nữa nhắc đến đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và trách nhiệm xã hội của báo chí cách mạng: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm chống tham nhũng, đưa tin phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) có hai câu thơ rất nổi tiếng trong bài “Than đạo”: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Đây được coi là tuyên ngôn của cụ đồ mù về giá trị của văn chương: Làm việc đạo nghĩa không bao giờ là đủ, chống lại cái xấu (kẻ gian) không bao giờ làm ta mệt mỏi.
Cây bút “đâm mấy thằng gian” trong văn học cũng như báo chí là một vế của chiến lược tổng thể, luôn song hành cùng con thuyền “chở đạo”. Tức hành động “chống” phải ở trong tâm thế “xây”. Chống cái ác chính là để xây cái thiện!
- Từ khóa:
- Báo chí
- chống
- tham nhũng
- “bút đâm”
- “tâm xây”