Pháp luật

Báo Pháp luật Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt số báo đầu tiên

Hà Nội

Trong dòng chảy lịch sử, Báo Pháp luật Việt Nam có nội dung ngày càng được mở rộng, chuyên sâu và hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc tặng hoa chúc mừng Báo Pháp luật Việt Nam
Ảnh: TTXVN phát

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ra mắt số báo đầu tiên.

Tại Lễ kỷ niệm, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, cách đây 40 năm, ngày 10/7/1985, tờ Pháp luật thường thức đầu tiên in bằng chữ chì đã được xuất bản và phát hành đến tay bạn đọc. Đây có thể nói là một sự kiện truyền thông đặc biệt không chỉ riêng của Bộ và ngành Tư pháp mà của cả làng báo chí cách mạng Việt Nam. Bởi Báo Pháp luật thường thức là tờ báo đầu tiên và duy nhất của các cơ quan thuộc Khối Nội chính chuyên viết về pháp luật, được phát hành công khai, rộng rãi đến bạn đọc cả nước.

Bày tỏ lòng cảm ơn đối với các thế hệ đi trước đã đặt nền móng cho sự phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam hôm nay, Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam cho biết, lực lượng cán bộ ban đầu của Báo Pháp luật Việt Nam chỉ có 7 người tách từ biên chế của Vụ Tuyên truyền (Bộ Tư pháp). Những cán bộ này đều đã tốt nghiệp Đại học Luật trong nước và nước ngoài, chưa có kiến thức và kinh nhiệm làm báo, duy nhất chỉ có một nhà báo chuyên nghiệp chuyển về từ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngay từ các ấn phẩm đầu tiên được phát hành, Báo Pháp luật Thường thức phát hành 2 kỳ/tháng đã thực hiện nhiệm vụ chính trị về tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật cho nhân dân, trở thành “cẩm nang” về pháp luật được phát hành rộng rãi đến bạn đọc cả nước.

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và 20 năm thành lập Báo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1952/PL ngày 30/12/2004, cho phép đổi tên báo Pháp luật thành “Báo Pháp luật Việt Nam”. Sự kiện đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của tờ báo - chính thức mang thương hiệu cấp quốc gia, khẳng định vai trò là cơ quan truyền thông hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật.

Trong dòng chảy lịch sử, Báo Pháp luật Việt Nam có nội dung ngày càng được mở rộng, chuyên sâu và hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong bối cảnh báo in suy thoái toàn cầu do sự trỗi dậy mạnh mẽ của internet và các nền tảng số, Tổng Biên tập bày tỏ, Báo Pháp luật Việt Nam buộc phải chuyển mình. Báo đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang báo điện tử để thích nghi với xu thế tiêu dùng tin tức mới của công chúng…  thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số và mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong kỷ nguyên truyền thông số. Báo Pháp luật Việt Nam đã phát triển một hệ thống ấn phẩm điện tử đa dạng, phù hợp xu hướng tiêu dùng thông tin hiện đại.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam cũng cho biết, với tinh thần dấn thân mạnh mẽ, Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp mà còn luôn nỗ lực trong công tác an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo. Với bề dày truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển (1985-2025), qua từng thời kỳ, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo đã không ngừng phấn đấu, liên tục có những đổi mới về nội dung và hình thức các ấn phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Trong suốt 4 thập kỷ, sự cống hiến bền bỉ cho bạn đọc luôn là trọng tâm, động lực cho mọi hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, hành trình 40 năm của Báo Pháp luật Việt Nam là minh chứng sống động cho giá trị và ý nghĩa mà tờ báo đã và đang mang lại cho sự phát triển của đất nước, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nơi pháp luật là nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động và sự phát triển bền vững./.

Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm