Các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền cơ sở và người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Để tiếp tục ứng phó với bão số 3, giảm thiệt hại tối đa về người và tài sản, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9, số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi sát diễn biến của bão.
Đối với tuyến biển, đảo, cần duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, neo đậu tàu thuyền, lồng bè.
Vùng đồng bằng, ven biển đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà khi bão chưa tan; khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Các tỉnh, thành phố triển khai công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công, nhất là các tuyến đê tại Quảng Ninh, Hải Phòng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất diện tích nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay khi có các tình huống sự cố hệ thống lưới điện, giao thông, hạ tầng cây xanh.
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, thông tuyến giao thông; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.
Các địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền cơ sở và người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời rà soát, bổ sung lực lượng trực ban, duy trì hệ thống kết nối, truyền tải thông tin trong phòng, chống thiên tai đảm bảo kịp thời, không gián đoạn trước, trong và sau bão, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương./.
- Từ khóa:
- Bão số 3
- an toàn đê biển
- đê cửa sông