Chỉ đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng còn lưu giữ, bảo tồn, một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố giai đoạn 2022 - 2030, kinh phí dự kiến hơn 31 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Đề án được thực hiện ở ba xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…
Mục tiêu của đề án đến năm 2030, có 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả. Tất cả lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ thông qua tư liệu, hình ảnh, phim; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm. 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận. 100% công chức văn hóa xã vùng đồng bào Cơ Tu được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ truyền thống; được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60 đến 70% công chức các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh được học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu.
Theo Đề án, các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền thông về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hóa và người có uy tín trong cộng đồng; đào tạo, truyền dạy di sản văn hóa; mở rộng giao lưu văn hóa; bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống.
UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Văn hóa - Thể thao là cơ quan thường trực giúp triển khai thực hiện đề án, nghiên cứu đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong công tác bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp các sở, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện vận động đồng bào bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc…
Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.161.430 người; có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 24,3% (1.198 người) và nhiều dân tộc khác đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú cho văn hóa của thành phố.
Chỉ đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng còn lưu giữ, bảo tồn, phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch cùng với những yếu tố khách quan, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu đã nảy sinh có những hạn chế, cần có các giải pháp trọng tâm. Bước sang giai đoạn mới, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội, cùng những chuyển biến của nội tại cộng đồng Cơ Tu trên địa bàn thành phố, tất yếu cần có những chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu phù hợp, đồng bộ, tổng thể và mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa của đồng bào, hài hòa với con đường phát triển chung của thành phố trong giai đoạn mới./.
- Từ khóa:
- Đồng bào Cơ Tu