Chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Nai.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có một kết luận riêng đề cập vấn đề này, trong đó xác định rõ đối tượng, nguyên tắc, nội dung và việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo của cán bộ làm căn cứ để thực hiện thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm vì lợi ích chung là một chủ trương lớn, hợp ý Đảng, thuận lòng dân, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn luôn vận động, đổi mới.
* Thực tiễn luôn đòi hỏi sự sáng tạo
Tỉnh Đồng Nai có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh; là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu tại vùng phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, trong đó có huyện Long Thành. Đây là điểm giao của các trục hành lang kinh tế lớn của vùng Đông Nam Bộ như: trục kinh tế Biên Hòa - Long Thành (Quốc lộ 51), trục Kinh tế Nhơn Trạch - Thống Nhất (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây); trục Kinh tế Long Thành - Cẩm Mỹ (hương lộ 10); trục Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng trong kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là công trình trọng điểm quốc gia, do đó yêu cầu các địa phương, đơn vị phải thực hiện nhanh để đưa công trình đưa vào sử dụng. Trước nhu cầu về đất san lấp tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rất lớn, trong khi các mỏ khoáng sản đã được cấp phép và trong quy hoạch trên địa bàn không đủ. Do đó, Đồng Nai vận dụng quy định của Luật Đất đai bằng phương án hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng; đồng thời thu hồi được nguồn đất cung cấp cho dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Những khu vực thực hiện cải tạo và lấy đất là những vùng đất bạc màu, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả.
Khi kiểm tra quá trình thực hiện đối với dự án trên, cơ quan thanh tra đánh giá Đồng Nai đã vận dụng sáng tạo và cần được cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như là một cơ chế đặc thù thời gian tới. “Tuy nhiên, do chồng chéo giữa các quy định Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và Luật Đầu tư, nên chưa có những hướng dẫn chi tiết về các thủ tục khi thu hồi đất để làm vật liệu san lấp”, bà Nguyễn Thị Hoàng nói.
Không chỉ đối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, thời gian qua Đồng Nai còn phải thực hiện giải phóng mặt bằng và nguồn đất đắp cho tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án này tiếp tục thiếu vật liệu san lấp. “Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục vận dụng như đối với phương án đất đắp của tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; đồng thời xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện theo cơ chế “sáng tạo” này”, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Dẫn câu chuyện từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, để có những sáng tạo, đổi mới, "xé rào" cơ chế, liên quan đến thẩm quyền của cấp nào thì trình cấp đó phê duyệt. Trên thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong các quy định của pháp luật, khiến các cấp có thẩm quyền ở cơ sở không thể phê duyệt, hoặc nếu có phê duyệt thì phải chờ Quốc hội xem xét, sửa luật.
* Cán bộ giữ vai trò then chốt
Nói về công tác cán bộ, ông Dương Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Long Thành (Đồng Nai) chia sẻ về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và câu chuyện thiếu nhiều cán bộ có chuyên môn sâu, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. “Định hướng phát triển của huyện thời gian tới là lấy cảng hàng không quốc tế Long Thành và đô thị sân bay Long Thành làm trung tâm. Đây cũng sẽ là một thách thức đối với công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý ở địa phương. Cán bộ cần phải có khả năng để tiếp thu những nội dung, lĩnh vực mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu thực tiễn công tác. Do đó, cần có nhiều cán bộ có tầm nhìn chiến lược để có thể hoạch định, đề ra giải pháp, lộ trình và lên kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể”, ông Dương Minh Dũng chia sẻ.
Ông Dương Minh Dũng cũng nhận định, năng lực công tác của một số cán bộ, nhất là cán bộ ở xã chưa tương xứng với yêu cầu công tác lãnh đạo, điều hành ở địa phương; một số trường hợp năng lực nghiên cứu, đề xuất còn hạn chế, cán bộ công tác cầm chừng, thiếu tính năng động. Vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức e dè, thiếu chủ động trong tham mưu, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Một số cán bộ chưa phát huy tốt năng lực công tác, do thiếu nghiên cứu, học hỏi.
Ông Dũng cho rằng, để có nguồn cán bộ chất lượng, công tác đánh giá phải đi vào thực chất, đánh giá đúng năng lực, đạo đức cán bộ, vì đây là nhiệm vụ thường xuyên, nền tảng để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ; thực hiện tốt phương châm “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành việc làm bình thường. Nếu cán bộ không đảm đương được nhiệm vụ, không làm tròn chức trách, không còn được tín nhiệm thì cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm hoặc từ chức theo quy định; mạnh dạn xem xét, cho nghỉ việc đối với những công chức không đạt yêu cầu, trong đó, phải kiên quyết xử lý đối với những cán bộ không có năng lực, không có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung.
Ông Lê Kim Bằng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho rằng, ở một số địa phương, có trường hợp cán bộ, công chức đôi khi còn giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan, việc ứng xử với nhân dân, với cộng đồng còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm; một số ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm với nhân dân, chưa thật sự tâm huyết với công việc.
“Sức ép trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã gây áp lực rất lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính sách đối với cán bộ cơ sở chưa thật sự phát huy hết tài năng, sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Một bộ phận cán bộ ở cơ sở thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống nên uy tín đối với quần chúng không cao, thậm chí gây mất lòng tin của nhân dân”, ông Lê Kim Bằng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề chưa được quy định rõ, hoặc trùng lặp, không thống nhất. Đồng thời, sự vận động và phát triển không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới, chưa có tiền lệ.
“Trước thực trạng này, việc triển khai những giải pháp để giải quyết, tháo gỡ có thể tiềm ẩn rủi ro, dễ dẫn đến sai sót trong việc triển khai thực hiện. Điều này phát sinh tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ ở nhiều địa phương trên cả nước, cũng như ở một số bộ, ngành Trung ương, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, đấu thầu mua sắm công. Do đó, việc giải quyết, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng để đương đầu với những thách thức có thể phát sinh, góp phần xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong giải quyết công việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị”, bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng cũng cho rằng một lý do khác khiến cán bộ còn e ngại trong sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là chưa có cơ chế khích lệ tương xứng. Xét về thu nhập, hiện nay việc trả lương đối với công chức, viên chức vẫn theo hệ số, có tính chất cào bằng, dẫn đến thu nhập không cao, khiến công chức, viên chức thiếu động lực để phấn đấu. Ngoài ra, sự sáng tạo của cán bộ còn có vai trò của người lãnh đạo chủ chốt của từng địa phương, đơn vị.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, việc rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá đối với từng vị trí công tác cần phải phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. “Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang tập trung nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia, đòi hỏi các sở, ngành thực hiện hết khả năng, do đó, việc đánh giá phải bám sát thực tiễn, việc xây dựng các tiêu chí đánh giá cần phải dựa trên các mục tiêu, trọng tâm của từng ngành, lĩnh vực và phải cụ thể đến từng vị trí công tác của cán bộ. Quan tâm xây dựng đến các tiêu chí “mềm”, tiêu chí “khuyến khích” để tạo động lực cho cán bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Đào Văn Phước, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh./.