Hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại đây góp phần tạo ra một thế hệ có kiến thức và biết tôn trọng, yêu quý di sản văn hóa, góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị quý báu của dân tộc.
TTXVN - Bảo tàng, di tích là thiết chế quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại đây góp phần tạo ra một thế hệ có kiến thức và biết tôn trọng, yêu quý di sản văn hóa, góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị quý báu của dân tộc.
* Đa dạng hoạt động giáo dục di sản
Nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục di sản tại bảo tàng, từ năm 2007 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thành lập Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” để thu hút thế hệ trẻ đến với Bảo tàng, tham quan, tìm hiểu hiện vật. Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” sẽ gồm tham quan trưng bày theo chủ đề và trò chơi, hoạt động trải nghiệm với nhiều hoạt động hấp dẫn như: “Tập làm chiến sỹ”, “Vượt chướng ngại vật”, “Khéo tay hay làm”, “Ai nhanh ai đúng”, “Ghép tranh”, “Đoán ý đồng đội”, “Theo dòng lịch sử”, “Thông điệp lịch sử”, “Ô chữ bí mật”, “Lật mảnh ghép, tìm di sản”…Các em nhỏ còn được giao lưu với nhân chứng lịch sử, hỏi đáp cùng các chuyên gia… qua đó, kiến thức lịch sử được học sinh ghi nhớ một cách hiệu quả, tạo sự hứng thú, yêu thích học tập môn Lịch sử.
Từ năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ra mắt chương trình “Giờ học Lịch sử”. Chương trình gồm hoạt động tham quan trưng bày theo chủ đề, làm phiếu, trả lời câu hỏi và là hoạt động trải nghiệm, tham gia các hoạt động, trò chơi thể chất vui nhộn và hoạt động trí tuệ có nội dung gắn kết với từng chủ đề như: “Hành quân thần tốc”, “Vượt bãi cọc Bạch Đằng”, “Hố bẫy ngựa”, “Trợ giúp Mai An Tiêm vận chuyển dưa hấu”, “Cờ lau tập trận”, “Em tập làm chiến sỹ đặc công”, “Em làm chiến sỹ giao liên”, “Tình quân dân”… Các hoạt động này giúp các em dễ dàng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử.
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức chương trình “Giờ học lịch sử” tại các trường học trên địa bàn Hà Nội nhiều chủ đề hấp dẫn, như: chủ đề “Lịch sử Hà Nội”, “Tìm hiểu nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam”, “Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”, “Theo chân những nữ tướng Anh hùng”, “Những người thầy vĩ đại trong lịch sử Việt Nam”….
Bảo tàng Hải Phòng đã thực hiện các hoạt động giáo dục với những chủ đề khác nhau cho học sinh. Có thể kể đến chương trình giáo dục chủ đề “Ký ức Điện Biên”, học sinh được nghe nhân chứng lịch sử kể câu chuyện về “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”; tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua thi trắc nghiệm đồng đội; trò chơi vận động như thồ hàng, gánh hàng ra chiến trường, trải nghiệm “Bữa cơm thời chiến” với cơm nắm, muối vừng, nước chè xanh...
Một chương trình giáo dục di sản hấp dẫn khác là “Sông Bạch Đằng - Lịch sử và dấu tích”, đưa các em học sinh đi tham quan và nghe diễn giải về trưng bày chuyên đề “Bãi cọc Cao Quỳ trong thế trận Bạch Đằng năm 1288”; thi tìm hiểu lịch sử thông qua hình thức trả lời câu hỏi. Các em trải nghiệm cuộc sống của người dân và hoạt động của binh sỹ thời Trần qua các trò chơi mô phỏng: “Bắt trạch trong chum”, “Truyền tin đồng đội”, “Đua thuyền trên cạn”. Đặc biệt, dựa trên di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang được bảo lưu và thực hành của nhân dân vùng đất Liên Khê, Hải Phòng về bữa cơm được cho là để mời binh lính nhà Trần trước khi đi đánh trận, Bảo tàng Hải Phòng tạo cơ hội cho các em học sinh được trải nghiệm “Bữa cơm quá lộ” với cá nướng, cơm nắm, quả đỗ luộc...
“Thông qua trải nghiệm, các em phần nào hiểu hơn về “Hào khí Đông A”, về tình quân dân cũng như sự tham gia của nhân dân Hải Phòng vào chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288…”, bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng chia sẻ.
Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một cho biết, những năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, liên kết chặt chẽ với trường học, phối hợp thực hiện chương trình giáo dục di sản văn hoá thiết thực, ý nghĩa, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn,phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh, tạo nên sức lan tỏa, uy tín và thương hiệu cho Bảo tàng Đắk Lắk.
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm cùng nghệ nhân gắn với chủ đề trưng bày, Bảo tàng Đắk Lắk xây dựng mô hình giáo dục di sản văn hóa dành cho học sinh phiên bản “Rung chuông vàng” với các chuyên đề: “Em yêu lịch sử”, “Âm nhạc cồng chiêng” cho học sinh các cấp học, tạo sân chơi bổ ích theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Trong năm 2023, Bảo tàng Đắk Lắk mở rộng và phát triển mô hình giáo dục di sản gắn liền với môn học giáo dục địa phương với 2 chương trình: “Giờ học di sản văn hóa” và “Giờ học lịch sử”, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục tại bảo tàng, di tích.
Bảo tàng Nghệ An tổ chức giáo dục di sản thông qua Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, giờ học lịch sử địa phương tại Bảo tàng. Từ đó, nhiều học sinh đã được tìm hiểu được di sản các chủ đề: “Văn hóa Đông Sơn trên đất Nghệ An”, “Vương triều Lý và vai trò của Lý Nhật Quang đối với Nghệ An”, “Nghệ An - Truyền thống hiếu học, khoa bảng”…
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An Phan Hà Long cho biết, năm 2022, bảo tàng Nghệ An phối hợp với Phòng Quản lý Di sản văn hóa lần đầu tiên tổ chức cuộc thi: Tìm hiểu di sản văn hóa tỉnh Nghệ An năm 2022 với chủ đề “Em yêu di sản quê em”. Chương trình rất thành công, tạo sân chơi hấp dẫn cho học sinh, các em thể hiện tình cảm, sự hiểu biết về di sản quê hương…
* Đẩy mạnh hoạt động giáo dục tại bảo tàng
Theo bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, giáo dục là chức năng cơ bản, quan trọng của bảo tàng, bởi nơi đây lưu giữ, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa - những bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người thông qua các sưu tập hiện vật chính. Đây cũng là thiết chế quan trọng nhằm thực hiện vai trò, sứ mệnh giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ.
Nhận thức được vị trí, vai trò của hoạt động giáo dục bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đặc biệt quan tâm và không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức, hoạt động giáo dục trải nghiệm để phục vụ các đối tượng công chúng khác nhau. Thông qua đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã và đang đem đến những trải nghiệm thú vị, hiểu biết sâu sắc, trực quan về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, Bảo tàng dần trở thành một địa chỉ tin cậy, gắn bó với công chúng yêu lịch sử - văn hóa, đặc biệt là thế hệ trẻ học đường.
Bà Phạm Thị Mai Thủy cho rằng, để đẩy mạnh công tác giáo dục trong bảo tàng, các đơn vị cần tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục bảo tàng tâm huyết với nghề, có năng lực, kỹ năng, hiểu về hiện vật/bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng/ di tích, có phương pháp sư phạm. Bên cạnh đó, mỗi bảo tàng cần chú trọng nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng, phát triển các chương trình giáo dục mang tính đặc trưng, riêng biệt, cốt lõi. Mặt khác, cần thiết lập, duy trì mối quan hệ, hợp tác với các đối tác, cộng sự, chuyên gia, giáo viên, họa sỹ, nhà thiết kế, tình nguyện viên; đẩy mạnh nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu chúng công chúng, đầu tư kinh phí dành cho công tác giáo dục tại bảo tàng.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho rằng, để hoạt động giáo dục di sản văn hoá hiệu quả, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng chuyên môn từ chính đội ngũ cán bộ bảo tàng; có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa bảo tàng và nhà trường, chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà trường, chuẩn bị tài liệu và nội dung liên quan đến tham quan có chủ điểm, gửi trước cho nhà trước để hướng dẫn học sinh tìm hiểu trước, giúp khơi dậy tính tò mò, tìm kiếm của học sinh... Đồng thời, các bảo tàng tăng cường tuyên truyền, nhất là mạng xã hội để tăng tính tương tác với công chúng. Bên cạnh đó, mỗi bảo tàng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trưng bày, hoạt động giáo dục nhằm đưa chương trình giáo dục lịch sử dành cho học sinh đến gần hơn với nhà trường.
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An Phan Hà Long cho rằng, giáo dục di sản đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục toàn diện thế hệ trẻ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, các bảo tàng cần tuyên truyền, giới thiệu, giáo dục rộng rãi hơn nữa để cộng đồng hiểu hơn vai trò và giá trị mà giáo dục di sản mang lại./.