Thời sự

Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, tạo ra động lực mới

Qua hội thảo giúp nhận diện, đánh giá toàn diện thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, vấn đề mới đặt ra trong quá trình triển khai các định hướng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

Chiều 3/7, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn".

Hội thảo "Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc".
Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Hội thảo nhận được bài viết định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm với chủ đề: “Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Dự hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an  Lương Tam Quang. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

*Hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ Tổ quốc

Hội thảo không chỉ là sự kiện có ý nghĩa học thuật mà còn là bước chuẩn bị quan trọng để cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới nhưng đồng thời đối diện nguy cơ, thách thức mới, phức tạp.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Quy mô GDP của Việt Nam thuộc nhóm 35 nước lớn nhất thế giới và nằm trong top 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó dự báo. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền, áp đặt, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy ngày càng phức tạp. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế, tranh giành các nguồn tài nguyên chiến lược, công nghệ cao, nguồn nhân lực cao ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhìn nhận, vận dụng đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện mới.

Qua hội thảo giúp nhận diện, đánh giá toàn diện thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, vấn đề mới đặt ra trong quá trình triển khai các định hướng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới; kiến nghị giải pháp thiết thực nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia...

Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Vi Dân trình bày tham luận.
Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Tham luận chủ đề “Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Vi Dân (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an) đánh giá, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ. Do đó, việc xác định nội hàm lợi ích quốc gia, nhận diện các yếu tố tác động để đề ra chủ trương, định hướng có tính căn bản, tổng thể nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Lợi ích quốc gia của Việt Nam hiện nay không chỉ được xác định theo biên giới hành chính quốc gia mà còn phải được nhận diện, xác định theo các loại hình “biên giới mềm”, như biên giới của hàng hóa, thông tin, văn hóa... và ở đâu có lợi ích quốc gia-dân tộc đều cần có phương pháp, biện pháp, lực lượng phù hợp để bảo vệ, phát huy, Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh.

Trong bài tham luận, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc từng bước làm chủ được công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, làm thay đổi môi trường chiến lược, xuất hiện các phương thức, loại hình chiến tranh mới, làm nảy sinh những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định và an ninh của mọi quốc gia, dân tộc.

Trong tham luận chủ đề “Phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội và hệ thống pháp luật.

Theo Thượng tá Tùng, công tác đấu tranh này luôn đảm bảo tiêu chí "không vì đẩy mạnh phòng, chống tội phạm mà cản trở phát triển kinh tế - xã hội". Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát huy tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, hạn chế tình hình tội phạm, góp phần bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội.

Thượng tá Tùng dẫn chứng các "đại án" được điều tra, xử lý thời gian qua như: Việt Á, AIC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Thuận An, Phúc Sơn... đã phát huy tác dụng răn đe, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"... Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

*Tạo động lực cho phát triển

Tổng hợp các ý kiến và tham luận tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới không chỉ là bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ nền văn hóa và uy tín vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong...; dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh, giữ vững, củng cố môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực thế giới.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu.
Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Cao hơn tư duy bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải nhằm tạo ra, thúc đẩy, nắm bắt, tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển đất nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải tạo ra động lực mới góp phần không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Lương Tam Quang tổng kết, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức; cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nghiên cứu hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy tinh nhuệ hiện đại, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng trong mọi hình thái chiến tranh, đặc biệt chiến tranh công nghệ cao. Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh, chủ động tự lực tự cường, lưỡng dụng hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, đặc biệt là công nghệ viễn thông, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, công nghệ sinh học./.

Xuân Tùng

Xem thêm