Để “đoàn tàu chạy nhanh và hiệu quả, Thành phố cần giảm bớt đầu mối công việc; linh hoạt trong thực hiện giải pháp về chính sách, thể chế.
TTXVN - “Bàn giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31/12/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội” là chủ đề của hội thảo khoa học diễn ra ngày 21/12. Sự kiện do Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo cơ quan Trung ương, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; khẳng định tính cấp thiết phải ban hành Nghị quyết 31 và Nghị quyết số 98, luận bàn những nội dung chính, dự báo mức độ ảnh hưởng, hiệu quả của hai nghị quyết với sự phát triển kinh tế-xã hội Thành phố. Đồng thời, bàn các giải pháp chiến lược, dài hạn, ngắn hạn, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực miền Trung - Tây Nguyên (Tạp chí Cộng sản) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định chiến lược phát triển. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm tốt những nhiệm vụ then chốt trong từng lĩnh vực trọng yếu và tư duy có tầm nhìn đến 2035 – 2045 để thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội thành phố xứng tầm là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước và khu vực.
“Tuy nhiên, để làm được điều đó, Thành phố cần đặc biệt chú trọng việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy nguồn lực đó phát triển, phục vụ cho Thành phố, đất nước. Thành phố cũng cần có lực lượng dẫn dắt xuất sắc, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; quy hoạch, phát triển không gian địa lý, mang bản sắc đặc thù riêng biệt để khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước trên nhiều phương diện, trong đó có vai trò dẫn dắt vùng, hướng đến phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, xã hội của khu vực”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Trần Thọ Quang nhấn mạnh.
Chia sẻ về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31 và Nghị quyết số 98, Tiến sỹ Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và pháp ở luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để “đoàn tàu chạy nhanh và hiệu quả, Thành phố cần giảm bớt đầu mối công việc; linh hoạt trong thực hiện giải pháp về chính sách, thể chế. Thành phố cũng cần đề xuất Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo về Dự thảo sửa đổi các quy định của Luật đất đai năm 2013; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015, 2020) có liên quan đến thẩm quyền của chính quyền đô thị; Dự thảo đề án xây dựng Luật tổ chức chính quyền đô thị; Dự thảo Luật tố tụng hành chính; Dự thảo Luật Chuyển đổi số.
Với Nghị quyết 98, Thành phố cần tập trung rà soát, xây dựng các quy định, quy chế về cơ chế, chính sách đặc thù; cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 trước đó như cách thức tạo ra cơ chế đặc thù trong kiểm tra giám sát, xây dựng chế định riêng cho việc thu hút nhân tài, phạm vi hoạt động.
“Nội dung Nghị quyết 98 rất đồ sộ và rất nhiều vấn đề mới, có tính tiên phong, do vậy, Thành phố cần tập trung và có thể bổ sung thêm Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách riêng về vấn đề này; tăng cường phân công, ủy quyền, xây dựng mô hình thị trường. Đồng thời thực hiện giám sát, thu hút nguồn nhân lực; giải quyết các vướng mắt, phát huy hiệu quả cao nhất trong xây dựng và phát triển Thành phố trên tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội”, Tiến sỹ Phan Hải Hồ nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động tại Thành phố, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, 2 nghị quyết là cơ sở pháp lý, Thành phố cần có sự tập trung với những giải pháp và bước đi phù hợp để nhanh chóng tạo ra sản phẩm tích cực, tạo thêm niềm tin, động lực và hiệu ứng mạnh mẽ.
Trước mắt, Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực; nhanh chóng khởi động lại những công trình “đóng băng” và chuẩn bị khởi công công trình mới như: giao thông, giải tỏa những điểm ùn tắc, gắn với chính trang đô thị, phát triển nhà ở và cải tạo môi trường; công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tình trạng quá tải ở trường học, bệnh viện. Thành phố đẩy mạnh liên kết với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên bằng những việc làm cụ thể, đặc biệt triển khai hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, tạo sự thông thoáng các cửa ngõ; chú trọng xây dựng chất lượng gắn với dự báo nguồn nhân lực tương lai, có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài...
“Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; xem xét phát huy vai trò sở, ngành, bởi đây không chỉ là cơ quan tham mưu mà là cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; giảm tối đa số lượng và thời gian hội họp, tăng cường thông tin và phối hợp, giảm thời gian chờ đợi xin ý kiến giữa các ngành. Thành phố tăng cường, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện và tiếp tục đề xuất về cơ chế, bộ máy vận hành của chính quyền đô thị theo hướng tập trung, rõ thẩm quyền các cơ quan quản lý…”, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cho tương lai. Trong đó, công tác tạo nguồn cán bộ trẻ hướng đến chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ kế thừa đủ về số lượng, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ và thực tiễn tốt.
Dẫn chứng từ thực tiễn sự phát triển của khu vực tư, nhất là chính sách tiền lương hấp dẫn đã tác động đến tình hình ổn định nhân sự tại các cơ quan, đơn vị khu vực công, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần kiên trì kiến nghị, đề xuất Trung ương xem xét, có chính sách cho phép thành phố tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có năng lực nổi trội. Thành phố cần sớm có hướng dẫn phụ cấp chức vụ đối với chức danh để thực hiện Nghị quyết số 98; đồng thời có chủ trương cho thành phố được ký hợp đồng lao động đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tiếp cận công việc trước khi tham gia thi công chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn luận về vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong thúc đẩy liên kết vùng nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giải pháp phát triển Thành phố xứng tầm là địa phương hạt nhân của vùng Đông Nam bộ và cực tăng trưởng của cả nước trong bối cảnh mới./.