Quốc hội với Cử tri

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV: Kỳ vọng tạo đột phá cho đổi mới sáng tạo

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được kỳ vọng tạo ra một bước tiến quan trọng, khuyến khích doanh nghiệp bứt phá bằng công nghệ.

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được kỳ vọng tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp bứt phá bằng công nghệ.

Dự thảo Luật bổ sung một số nội dung, trong đó có cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm...Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, các đại biểu bày tỏ quan điểm rất tán thành và ủng hộ đối với dự án luật này.

Hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, riêng nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo thì đây là lần đầu tiên được đưa vào dự luật và được sửa đổi với tên gọi dài là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Mục đích của tên gọi này là nhấn mạnh đến nội dung đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số không thể không có đổi mới sáng tạo...

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành. Lần đầu tiên tại Nghị quyết 57, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí "đột phá quan trọng hàng đầu".

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) trao đổi bên lề Kỳ họp.
Ảnh: Hải Ngọc - TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đây là những nghị quyết mang tính đột phá. Ngoài các nghị quyết trên còn có nhiều văn bản của Đảng cũng đã được ban hành nhằm phục vụ cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế; đồng thời chú trọng phát triển tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân.

Các nghị quyết này sẽ tạo động lực rất lớn cho những “start-up” (khởi nghiệp) trên lĩnh vực khoa học, công nghệ nói chung và trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói riêng. Các “start-up” bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới, non trẻ...

Các doanh nghiệp non trẻ nếu biết cách quản lý, lĩnh hội các thành tựu, sản phẩm của khoa học, công nghệ sẽ tạo ra các dịch vụ phục vụ tốt cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay. Nữ đại biểu mong muốn, với việc sửa đổi lần này, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để các “start-up”, các doanh nghiệp trẻ phát triển. Do đó, các “start-up” nên tận dụng mọi cơ hội, dấn thân tham gia các dự án lớn mang tầm quốc tế để khẳng định mình.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) trao đổi bên lề kỳ họp. 
Ảnh: Hải Ngọc - TTXVN

Liên quan đến nội dung trên, bên hành lang Quốc hội ngày 13/5, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này là rất cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các "start-up" tại Việt Nam đang rất trông chờ vào lần sửa đổi này. Nếu tại kỳ họp lần này, Quốc hội thông qua được dự án Luật này sẽ là điều rất tốt, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và những người làm công tác nghiên cứu khoa học.../.

Các đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp 
Ngô Hải Ngọc

Tin liên quan

Xem thêm