Sức khỏe

Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Từ ngày đầu sơ khai đến bệnh viện sản phụ khoa hàng đầu quốc gia

Câu chuyện thành công của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hôm nay gắn liền với hành trình lịch sử đầy nỗ lực của các thế hệ đi trước trong 70 năm qua.

Trong bối cảnh phát triển y tế hiện đại, Bệnh viện Phụ sản Trung ương không chỉ là biểu tượng của chuyên môn sản – phụ khoa hàng đầu quốc gia, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần hợp tác liên viện hiệu quả, kịp thời và ngày càng trở thành thường quy giữa các cơ sở y tế đầu ngành.

Mới đây, một ca mổ lấy thai cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương, với sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp 11 nhân viên y tế từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thành công ngoạn mục, cứu sống sản phụ mắc lao phổi kháng thuốc nặng và bé trai chào đời an toàn.

* Những giây phút sinh tử

Ca mổ lấy thai cấp cứu cho sản phụ L.T.H (30 tuổi, mang thai lần đầu ở tuần thứ 35) đang trong tình trạng lao phổi kháng rifampicin nặng với tổn thương nghiêm trọng ở hai phổi.
Ảnh: BVCC

Sáng 8/7/2025, các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương, mang theo đầy đủ dụng cụ phẫu thuật và thiết bị hồi sức sơ sinh hiện đại. Nhiệm vụ lần này là thực hiện ca mổ lấy thai cấp cứu cho sản phụ L.T.H (30 tuổi, mang thai lần đầu ở tuần thứ 35) đang trong tình trạng lao phổi kháng rifampicin nặng với tổn thương nghiêm trọng ở hai phổi. Đặc biệt, phổi trái của sản phụ gần như mất hoàn toàn chức năng, khiến suy hô hấp tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Do tình trạng suy hô hấp nặng và thai còn non tháng, chúng tôi phải lên phương án gây mê, hồi sức cực kỳ thận trọng, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bệnh viện đã giúp ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé".

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 30 phút căng thẳng nhưng thành công ngoài mong đợi khi bé trai nặng 2.200g chào đời khỏe mạnh. Ngay lập tức, các nữ hộ sinh và bác sĩ sơ sinh đã dùng lồng ấp di động để giữ ấm, hỗ trợ hô hấp và chăm sóc bé. Một khoảnh khắc xúc động đã diễn ra khi em bé được áp sát mẹ trong giây phút đầu tiên, thể hiện sức mạnh kiên cường và tình mẫu tử thiêng liêng.

Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người dẫn đầu ê-kíp phẫu thuật nhấn mạnh: Ca bệnh vừa phức tạp vừa hiếm gặp, vừa phải đảm bảo mạng sống sản phụ vừa bảo vệ thai nhi. Thành công hôm nay là minh chứng cho sự phối hợp liên viện chuyên sâu, nhịp nhàng và tinh thần trách nhiệm của cả hai bên.

Cấp cứu ngoại viện – phản ứng chuyên nghiệp trước ca bệnh hiếm gặp, khi mỗi giây đều là sinh mạng
Ảnh: BVCC

Trường hợp sản phụ L.T.H không phải là ca đầu tiên được Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện mổ cấp cứu. Trong những năm gần đây, gần 10 ca tương tự đã được thực hiện thành công, thể hiện hiệu quả và sự cần thiết của mô hình liên viện chuyên môn sâu.

Sự phối hợp chủ động, nhịp nhàng giữa các bệnh viện đầu ngành trong xử trí các ca bệnh phức tạp không chỉ cứu sống người bệnh mà còn là hình mẫu về sự hợp tác chuyên sâu trong hệ thống y tế tuyến cuối trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

* Lấy y đức làm nền, lấy sự sống làm trung tâm.

Câu chuyện thành công của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hôm nay gắn liền với hành trình lịch sử đầy nỗ lực của các thế hệ đi trước trong 70 năm qua.

Trong những năm đầu của nền y tế cách mạng, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương vẫn chưa mang tên gọi như ngày hôm nay mà khởi đầu chỉ là một khoa Sản nhỏ trong lòng Bệnh viện Bạch Mai 
Ảnh: BVCC

Ngày 19/7/1955, một cột mốc hành chính quan trọng được xác lập: Nghị định số 615-ZYO/NĐ/3A do Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí ký ban hành thành lập Bệnh viện C, cái tên giản dị nhưng mang trong mình trọng trách lớn lao: chăm sóc sức khỏe cho lực lượng cán bộ, công nhân viên chức.

Trong những năm đầu của nền y tế cách mạng, Bệnh viện Phụ sản Trung ương khởi đầu chỉ là một Khoa Sản nhỏ trong lòng Bệnh viện Bạch Mai – với vài chiếc giường gỗ, ánh đèn dầu chập chờn và những bàn tay không ngừng làm việc giữa muôn vàn thiếu thốn.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt không làm chùn bước những người thầy thuốc, họ kiên trì làm việc giữa hầm tránh bom, lán trại sơ tán tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Sơn Bình. Những ca đỡ đẻ vẫn diễn ra, những tiếng khóc chào đời vẫn vang lên. Bệnh viện không lùi bước, không ngưng hoạt động, mà từng bước xây dựng hệ thống khoa phòng, triển khai chuyên môn sâu rộng, khẳng định vai trò không thể thay thế trong mạng lưới y tế miền Bắc.

Năm 1966, Bệnh viện chính thức mang tên Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, trở thành trung tâm đầu ngành về chăm sóc sức khỏe sinh sản, mở ra kỷ nguyên phát triển bền vững với khoa học và nhân văn làm cốt lõi.

Đến năm 2003, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày một lớn, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi cả về tính chất, quy mô của Viện. Ngày 18/6/2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định 2212/QĐ-BYT đổi tên Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh thành Bệnh viện Phụ sản Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, tiếp tục thực hiện những chức năng, nhiệm vụ trước đây của Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh với những đòi hỏi cao hơn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

 Khóa đào tạo “Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh” (Newborn Life Support – NLS) năm 2025 theo tiêu chuẩn quốc tế tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ảnh: BVCC

Để có được một bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa như hôm nay là công lao bền bỉ của biết bao thế hệ, mà khởi nguồn là những con người tiên phong như Giáo sư Đinh Văn Thắng, Giáo sư Nguyễn Thìn, Giáo sư Nguyễn Huy Cận... cùng hàng chục nữ hộ sinh, y tá mang trái tim nhiệt huyết, trí tuệ cách mạng, lòng tận tụy với sự sống. Họ đã không chỉ dựng nên một khoa lâm sàng mà còn dựng nên một hệ giá trị nhân văn sâu sắc: Lấy y đức làm nền, lấy sự sống làm trung tâm.

Những năm tháng sau này, các thế hệ lãnh đạo của Bệnh viện như Giáo sư Nguyễn Đức Vy, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Phó Giáo sư Vũ Bá Quyết, Giáo sư Trần Danh Cường và hiện nay là Giáo sư Nguyễn Duy Ánh đã tiếp nối truyền thống, đưa bệnh viện ngày càng phát triển toàn diện về chuyên môn và nhân văn.

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương dẫn đầu đoàn công tác của Bệnh viện đến thăm, tặng quà và tri ân người có công với cách mạng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh: BVCC

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Thành quả hôm nay là kết tinh từ bao thế hệ thầy thuốc đi trước – những người đã âm thầm vun đắp, trao truyền không chỉ chuyên môn vững vàng mà còn là y đức sâu sắc. Tôi tin tưởng thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống, đưa bệnh viện trở thành trung tâm sản phụ khoa hiện đại – nơi người bệnh được chăm sóc toàn diện bằng những kỹ thuật tốt nhất, mới nhất và nhân văn nhất”./.

Bích Thủy

Tin liên quan

Xem thêm