Chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết là nâng cao ý thức cộng đồng
Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và người dân rà soát lại các điểm nguy cơ trên địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc đang tăng, có thể phát sinh nhiều điểm nguy cơ mới.
Nhận thức và sự chung tay của cộng đồng là chìa khóa, yếu tố then chốt trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết - dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung.
Trong buổi giám sát tại các xã thuộc địa bàn huyện Củ Chi (cũ) vào ngày 15/7, đoàn công tác phòng, chống dịch bệnh do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã ghi nhận vẫn còn xuất hiện các điểm có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết như cửa hàng vá lốp xe, khu dân cư, nhà trọ... Qua kiểm tra thực tế vẫn tồn tại nhiều vật dụng chứa nước mưa không được đậy kín như chậu cây, vỏ lon, lốp xe cũ và chậu chứa nước. Đây chính là môi trường lý tưởng để muỗi vằn sinh sản, làm lây lan bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Củ Chi cho biết, tình trạng người dân chủ quan với dịch bệnh và chưa tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như úp vật dụng chứa nước hay phát quang bụi rậm quanh nhà vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác dù công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó là thói quen trữ nước mưa để chăn nuôi và tưới cây của các hộ dân vẫn còn duy trì. Đây là những môi trường thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú ngụ và sinh sôi.
Từ đầu năm đến nay, các xã của huyện Củ Chi (cũ) ghi nhận khoảng 1.300 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương này hiện xếp thứ hai về số ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, trong hai tháng qua, mỗi ngày tiếp nhận từ 20–30 ca sốt xuất huyết nhập viện, chiếm khoảng 20% bệnh nhân nội trú. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 1.538 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 299 ca ngoại trú, 722 ca nội trú không có dấu hiệu cảnh báo, 468 ca có dấu hiệu cảnh báo và 49 ca nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn địa bàn đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt khi Thành phố đang vào mùa mưa, là môi trường thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hiện số ca mắc trung bình mỗi tuần của năm 2025 đều cao hơn năm 2024 và tổng số ca mắc cũng tăng lên gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong đó địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) 3 ca, Bình Dương (cũ) 2 ca và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 1 ca.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết phát huy hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương cần tăng cường các hoạt động chống dịch, đặc biệt là việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Chỉ khi người dân không xem nhẹ dịch bệnh, cùng chung tay với ngành y tế, cùng tham gia tích cực phòng bệnh, triệt để loại bỏ vật chứa nước, diệt sạch lăng quăng (bọ gậy) thì mới có thể đẩy lùi được sốt xuất huyết.
Ngành Y tế Thành phố cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và người dân rà soát lại các điểm nguy cơ trên địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc đang tăng, có thể phát sinh nhiều điểm nguy cơ mới. Bên cạnh đó là tăng cường xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, hộ kinh doanh bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để phát sinh lăng quăng trong khu vực mình sinh sống, quản lý.
Với người dân, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần chủ động diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước có thể là nơi muỗi vằn đẻ trứng. Để diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích, người dân nên ngủ màn, dùng bình xịt muỗi, hương xua muỗi, kem chống muỗi, vợt muỗi. Người dân cũng cần phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt cao khó hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị, tự ý truyền dịch tại nhà./.