Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Cần đặc biệt coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu đặc biệt coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài
TTXVN - Chiều 23/4, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) về tình hình đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; Kết luận 69-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20 -NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay Liên hiệp Hội đã hình thành hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X và Điều lệ của Liên hiệp Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Liên hiệp Hội đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh; xếp trong số 30 hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương với 156 hội thành viên, trong đó có 93 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Liên hiệp Hội đã thành lập 560 tổ chức khoa học và công nghệ; 70 cơ quan báo, tạp chí; 1 nhà xuất bản; 1 quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật. Liên hiệp Hội đã tập hợp, thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước; được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi hoạt động và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và đánh giá cao.
Đối với nhiệm vụ tôn vinh trí thức, đến nay, việc Liên hiệp Hội tổ chức các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật đã trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong các tổ chức khoa học và công nghệ, trong nhân dân. Hàng nghìn công trình, giải pháp sáng tạo kỹ thuật đã được trao giải, tôn vinh do ứng dụng hiệu quả vào sản xuất và đời sống, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, người dân và đất nước. Nhiều giải pháp sáng tạo được tặng các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Việc lựa chọn trí thức tiêu biểu của Liên hiệp Hội đã có đổi mới theo hướng mở rộng đối tượng được tôn vinh, không chỉ là những người hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội mà còn là các chuyên gia, nhà khoa học ngoài hệ thống. Các tiêu chí tôn vinh được nâng cao; quy trình xét chọn được đổi mới và chất lượng hơn đã được cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ hoan nghênh.
Ông Phan Xuân Dũng cũng đề cập đến một số bất cập trong quá trình hoàn thành chính sách đối với trí thức. Theo đó, tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị đã khẳng định Liên hiệp Hội là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đến nay, mô hình tổ chức, số lượng biên chế của cơ quan Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố chưa có sự thống nhất; thiếu các văn bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng quy định về địa vị pháp lý, về việc giao nhiệm vụ, đảm bảo các điều kiện làm việc, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc. Số lượng cán bộ Liên hiệp Hội thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện cụ thể các chủ trương đường lối của Đảng còn lúng túng. Điều kiện, nội dung và phương thức thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cao về công tác vận động trí thức trong tình hình mới trong bối cảnh hội nhập và sự bùng nổ khoa học và công nghệ như hiện nay. Việc thể chế hóa chủ trương qua các văn bản chỉ đạo của Đảng còn nhiều bất cập. Nhiều văn bản chậm được ban hành hoặc đã ban hành chưa đảm bảo tính nhất quán theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, làm giảm hiệu lực lãnh đạo của Đảng, chính sách chậm ban hành, không phù hợp, không sát thực tế, khó áp dụng…
Tại buổi làm việc, nhiều trí thức cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác về tăng cường các hoạt động nghiên cứu đánh giá việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tổ chức thường xuyên các cuộc gặp mặt trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học và công nghệ đầu ngành để nghe trí thức hiến kế, trình bày các ý kiến, quan điểm, tư vấn với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cùng với đó, cần coi các nhiệm vụ của Liên hiệp Hội được các ban Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào kế hoạch, được Quốc hội dự kiến bố trí kinh phí, chính là các nhiệm vụ do Nhà nước giao để không phải làm lại quy trình gây mất thời gian, thủ tục hành chính phức tạp; kiện toàn, bổ sung các tổ chức Đảng đoàn (hiện chỉ có 10/63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổ chức Đảng đoàn).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao những thành tựu của đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội trong hơn 40 năm qua. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tình hình đất nước ta hiện nay và những năm tới đây tiếp tục đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và vận hội mới, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khắc nghiệt như: Những vấn đề về an ninh truyền thống, phi truyền thống của thế giới, khu vực và trong nước; sự phát triển của công nghệ mới, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo…, từ đó, đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với đội ngũ trí thức và nền khoa học, công nghệ nước nhà.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo Liên hiệp Hội và các nhà khoa học quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội theo tinh thần Nghị quyết 45 và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội. Đặc biệt là coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, phát triển tổ chức, phát triển hội viên, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Đảng đoàn Liên hiệp Hội và các hội thành viên; xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong các hội trí thức, đóng vai trò nòng cốt chính trị trong hoạt động của Hội. Đồng thời, chú trọng nâng cao tính thực chất, hiệu quả phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện, giám định xã hội, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản… Các nhà khoa học cũng cần kiến nghị những mô hình tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ mới, phù hợp với tình hình mới và yêu cầu được Đảng, Nhà nước giao.
Khẳng định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, Liên hiệp Hội nói riêng, đội ngũ trí thức nói chung sẽ có những bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.