Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Sách là kho tàng tri thức nhân loại, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng tới các giá trị nhân văn: Chân - Thiện - Mỹ cao đẹp.
TTXVN - Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe" đã khai mạc tối 17/4, tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đánh trống khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024. Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
* Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức và khát vọng
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Sách là kho tàng tri thức nhân loại, là người thầy, cung cấp nguồn tri thức vô tận, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người hướng tới các giá trị nhân văn: Chân - Thiện - Mỹ cao đẹp.
Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn hóa đọc.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ngày 21/4, gắn với thời điểm ra mắt cuốn sách "Đường Kách Mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa văn hóa sâu sắc nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, giàu ý nghĩa, với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, cùng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn cao. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt là mô hình đường sách tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước, cùng các mô hình khuyến học, đã tạo ra không gian văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân, tạo những nét đẹp về văn hóa, thúc đẩy thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách; qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sách.
Để tri thức ngày càng lan tỏa, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành... quan tâm quán triệt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp tục bồi dưỡng tri thức, nâng cao kiến thức, tư duy, giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người.
Cùng với đó, nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách, coi việc đọc sách là phương pháp tự học đạt hiệu quả, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của các quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, có tâm thế tích cực hơn trong cuộc sống.
Các ban, bộ, ngành, đơn vị chú trọng thiết kế, tổ chức các hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân; quan tâm, cổ vũ, phát hiện các mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu, áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, buôn làng, khu dân cư, địa bàn cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường vận động, sáng tác các cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng khoa học, giáo dục, văn hóa phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc; khuyến khích xuất bản các cuốn sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của công chúng, bạn đọc và các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của doanh nghiệp, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển ngành xuất bản, phát triển sách và văn hóa đọc.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách; gắn văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, chú trong phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội, khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản, tạo sức lan tỏa rộng rãi và nhanh hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân.
Các đơn vị mở rộng quan hệ hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động về sách của quốc tế... để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu các tác giả, tác phẩm của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, để bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam, biết đến truyền thống văn hóa, con người, xã hội Việt Nam; qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
"Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức và khát vọng. Văn hóa đọc là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức được thấm nhuần, thấm đẫm trong mỗi con người, mọi tế bào xã hội để mỗi con người không ngừng được bồi đắp về tri thức và những giá trị nhân văn cao cả, trở thành công dân có ích cho đất nước, đủ tự tin để bước ra toàn cầu", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý.
* 60 đơn vị tham gia trưng bày hơn 40.000 đầu sách có giá trị
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao Hà Nội (Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) tổ chức trưng bày triển lãm các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.
Hội chợ Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 được thực hiện mang đậm nét văn hóa ngay tại khu vực Hồ Văn (nằm trong quần thể khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám), với đầy đủ không gian giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ, diễn ra từ 17-21/4. Hội chợ có sự tham dự của 60 đơn vị, trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 đầu sách có giá trị.
Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ có các tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu... nhằm cung cấp cho bạn đọc và du khách tham quan nhiều trải nghiệm thú vị, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến với Hội Sách. Các đơn vị xuất bản, phát hành sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giờ vàng tri ân khách hàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho bạn đọc cả trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm cổ vũ, khuyến khích bạn đọc mua và đọc sách./.