Văn hóa

Sôi nổi lễ hội Nghinh Ông Đông Hải lần thứ XXI - năm 2024

Bạc Liêu

Đây là một trong những lễ hội Nghinh Ông lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Đông Hải.
Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

TTXVN - Ngày 17/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) khai mạc Lễ hội Nghinh Ông lần thứ XXI - năm 2024.

Đây là một trong những lễ hội Nghinh Ông lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, huyện có nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh, có đội tàu trên 500 chiếc, chiếm 1/2 tổng số tàu khai thác của tỉnh Bạc Liêu, bình quân đạt sản lượng khai thác trên 100.000 tấn/năm, trong đó có các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải kêu gọi các cấp, ngành và Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, duy trì bản sắc tốt đẹp của Lễ hội nghinh Ông huyện Đông Hải; thường xuyên gần gũi, động viên ngư dân tích cực ra khơi bám biển, chủ động cải hoán tàu thuyền để nâng cao hiệu quả đánh bắt, góp phần vươn lên từ biển và làm giàu từ biển.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng trao tặng bảng tượng trưng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đông Hải.
Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc sản của huyện; sách, thư viện sách; dụng cụ nghề làm muối, mô hình cánh đồng muối; ngư, lưới cụ, nghề vá lưới; mô hình, hình ảnh tuyên truyền biển, đảo; quảng bá hình ảnh du lịch của huyện; tổ chức đoàn tàu ra biển nghinh ông; thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản...

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy qua khu vực tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Đông Hải lần thứ XXI năm 2024, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã thông báo hạn chế giao thông thủy trên tuyến sông Gành Hào.

Theo đó, từ 9 - 12 giờ ngày 18/4, giao thông đường thủy nội địa trên tuyến sông Gành Hào có lý trình khoảng từ Km 3+000 đến Km 11+000 (từ cảng cá Gành Hào trở ra cửa biển, thuộc địa bàn thị trấn Gành Hào, giáp ranh với xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bị hạn chế để phục vụ lễ diễu hành.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tặng bảng tượng trưng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đông Hải tại buổi lễ.
Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III yêu cầu các phương tiện khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, đảm bảo an toàn giao thông thủy. Ban Tổ chức lễ hội kiên quyết không để phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định tham gia lễ hội.

Cá Ông được xem là vị thần hộ mệnh cho ngư dân. Năm 2010, ngư dân thị trấn Gành Hào đã phát hiện và đưa vào bờ một “Ông Nhám” dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, đã được Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý xác lấy da nhồi bông. Hiện, xác cá Ông được đặt trang trọng tại Lăng Ông Nam Hải để phục vụ ngư dân, du khách hành hương, chiêm bái. Năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định công nhận Lễ hội và cho phép huyện Đông Hải tổ chức hàng năm./.

Chanh Đa

Xem thêm