Phiên họp 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét tính cân đối trong đầu tư các lĩnh vực giao thông
Hiện đầu tư vào đường bộ rất nhiều nhưng đường thủy và đường sắt chưa có sự đầu tư thỏa đáng.
TTXVN - Sáng 23/4, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023", đề cập đến vấn đề phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta phải "bóc ngắn, cắn dài" vì nguồn lực không đủ, nhưng phân kỳ phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn.
Đầu tư đồng bộ hệ thống hành lang giao thông
Lấy ví dụ tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan có 2 làn, nhưng không có làn dừng khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, Quốc hội cũng dành quan tâm cho những dự án như vậy. Đây là vấn đề cần kiến nghị. Gắn với đó là đầu tư đồng bộ hệ thống đường sá, hành lang giao thông, công trình trạm dừng nghỉ. Lái xe chạy đường dài dễ căng thẳng và gây tai nạn, có trạm dừng nghỉ hợp lý giúp lái xe vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần.
Về vấn đề phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối giao thông đa phương tiện, theo Chủ tịch Quốc hội, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống đường bộ đã yếu, đang phải tập trung thêm, nhưng đường thủy nội địa cũng chưa được quan tâm. Tại đây, 1km2 có 0,76km chiều dài sông ngòi, kênh rạch, nhưng tỷ trọng đầu tư vào giao thông thủy chỉ mười mấy phần trăm. Nếu đường thủy làm tốt sẽ giảm tải cho đường bộ và giảm rủi ro, bảo đảm an toàn giao thông và hiệu quả logistics tốt hơn. Phải đặt ra vấn đề chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, sử dụng nguồn lực của Trung ương và địa phương để đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, vấn đề phân kỳ đầu tư thời gian qua có nhiều ý kiến. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc. Bộ xác định căn cứ vào nguồn lực để có phân kỳ đầu tư, nhưng phân kỳ đầu tư thế nào để đảm bảo khi giai đoạn phân kỳ đầu tư xong đưa vào khai thác đảm bảo an toàn giao thông.
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... trong đó đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm "nồng độ cồn", quá tải trọng, xe "cơi nới" thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.
Đầu tư cho đường thủy chưa thỏa đáng
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế kéo dài.
Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; chậm khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý các kiến nghị "điểm đen", điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu, công tác tổ chức điều hành giao thông ở một số địa phương còn bất cập; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phổ biến. Nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác quản lý bảo trì đường bộ còn thấp.
Công tác quản lý việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế và sơ hở, nhiều phương tiện thay đổi kết cấu, nâng tải trọng hoặc quá niên hạn sử dụng nhưng chưa được phát hiện, công tác quản lý hậu đăng ký, đăng kiểm vẫn còn xem nhẹ.
Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe tuy có nhiều đổi mới, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người được cấp giấy phép lái xe chưa cao, tình trạng lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhiều.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mặc dù đã được tăng cường và đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phụ thuộc vào 3 yếu tố: Ý thức của người tham gia giao thông và thể chế, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông. Cần có đánh giá với từng lĩnh vực giao thông. Cần xem xét thêm tính cân đối trong đầu tư lĩnh vực giao thông.
"Nếu vấn đề đường bộ phát triển vượt bậc, thì đường sắt và đường thủy tỷ trọng đầu tư không nhiều. Việt Nam là nước có hệ thống thủy nội địa nhiều và đường bờ biển dài, nhưng đầu tư chưa thỏa đáng. Trong lĩnh vực vận tải, rẻ nhất là đường thủy, kế đến là đường sắt, đường bộ. Hiện đầu tư vào đường bộ rất nhiều nhưng đường thủy sau những vụ việc như Vinashin, Vinalines, sự quan tâm dường như không còn thỏa đáng, đúng mức", ông Bùi Văn Cường nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát cần đánh giá thêm về ý thức của người tham gia giao thông. Ý thức của người tham gia giao thông cơ bản là tốt nhưng có một bộ phận ý thức rất kém, sẵn sàng vượt đèn đỏ, vi phạm pháp luật về giao thông, trong khi cũng con người đó ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt quy định về trật tự, an toàn giao thông, điều đó chứng tỏ việc xử lý của chúng ta không nghiêm. Bà Lê Thị Nga đề nghị đưa giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông vào trường học từ sớm để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông.
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông hiện nay. Hiện nay, người dân rất phàn nàn về tiêu cực của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và đăng kiểm. Trong lần giám sát này, cần đánh giá liệu hiện nay còn tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông không, để có giải pháp khắc phục./.