Góp ý Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi): Không giao tòa án thu thập toàn bộ chứng cứ
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi) không nên giao tòa khởi tố vụ án.
TTXVN - Chiều 16/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị góp ý Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi). Tại hội nghị, vấn đề nhận được nhiều ý kiến, tranh luận là việc thu thập chứng cứ vụ án.
Theo đại diện của tòa án các cấp tại Đồng Nai, hiện việc thu thập toàn bộ chứng cứ của vụ án do tòa án đảm nhận; đương sự, luật sư mặc định thu thập chứng cứ là trách nhiệm của tòa. Đây là bất cập rất lớn, bởi tòa án là cơ quan độc lập, khi tòa tự thu thập chứng cứ, dựa trên chứng cứ mình thu thập để xét xử sẽ không đảm bảo tính khách quan, không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013.
Các thẩm phán đề nghị Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi) cần quy định thu thập chứng cứ là trách nhiệm của đương sự, luật sư bảo vệ thân chủ; đương sự phải nộp chứng cứ để tòa xem xét; tòa án chỉ thu thập chứng cứ khi cần thiết. Trường hợp người yếu thế, cần hỗ trợ, những chứng cứ mà đương sự không thể thực hiện mới giao tòa thu thập.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi) không nên giao tòa khởi tố vụ án. Bởi tòa án xét xử, hoạt động độc lập, nếu tòa khởi tố vụ án rồi tiếp tục công việc xét xử sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của tòa án.
Đại diện nhiều tòa án đề nghị không cần thiết thay đổi tên tòa cấp tỉnh thành tòa phúc thẩm, bởi việc đổi tên tốn chi phí lớn, gây ra nhiều xáo trộn. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, việc thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt là chưa phù hợp. Nếu thành lập tòa án chuyên biệt, tòa hoạt động song song với tòa cấp huyện thì cần nhân sự, trụ sở để hoạt động. Điều này không phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước. Trường hợp cần thiết, Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi) có thể quy định thành lập tòa án chuyên trách trực thuộc tòa án huyện, tòa chuyên trách sẽ xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ, hành chính.
Về bổ nhiệm thẩm phán, đại biểu đề nghị thời hạn bổ nhiệm lần đầu với thẩm phán là 5 năm, sau đó thẩm phán sẽ được bổ nhiệm suốt đời. Nguyên nhân là quy trình tái bổ nhiệm thẩm phán mất nhiều thời gian.
Tại hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai không đồng tình với quan điểm bổ nhiệm thẩm phán. Bởi bổ nhiệm suốt đời gây tâm lý chủ quan, làm mất ý chí phấn đấu của thẩm phán. Nếu bổ nhiệm thẩm phán suốt đời sẽ tạo ra tiền lệ, ngành kiểm sát cũng sẽ đề nghị được bổ nhiệm như thẩm phán.
Theo đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, quy định trách nhiệm thu thập chứng cứ thuộc về đương sự, luật sư là phù hợp. Tuy nhiên, thu thập chứng cứ là vấn đề khó khăn, Luật Tổ chức tòa án Nhân dân (sửa đổi) cần quy định cụ thể trách nhiệm của tòa án trong hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ; một số chứng cứ phải do tòa án thu thập.
Ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, có tính thực tiễn. Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai sẽ tổng hợp các ý kiến gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét./.