Dù bỏ cụm từ “Trật tự” cũng không làm thay đổi nội hàm của dự thảo Luật. Đồng thời, trong 27 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật phần lớn là nói về hành vi, cách ứng xử của người tham gia giao thông.
TTXVN - Ngày 10/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Các đại biểu nhất trí về tính cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Điều này phù hợp với chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan với mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quản lý hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
Theo đại biểu, nội dung của 2 dự thảo luật đảm bảo tính thống nhất, không có sự trùng lắp. Cụ thể, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về quy tắc, phương tiện, người điều khiển phương tiện, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Còn Luật Đường bộ quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; tổ chức vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cần, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long đề nghị đổi tên “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” thành “Luật An toàn giao thông đường bộ”. Theo đại biểu, dù bỏ cụm từ “Trật tự” cũng không làm thay đổi nội hàm của dự thảo Luật. Đồng thời, trong 27 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật phần lớn là nói về hành vi, cách ứng xử của người tham gia giao thông.
Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung nội dung “đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương, người dân” khi đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc vào dự thảo Luật, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, địa phương có đường cao tốc đi qua, bên cạnh những lợi ích mang lại.
Nhiều đại biểu thống nhất với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều này góp phần bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, nhất là giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có đại biểu băn khoăn quy định này cũng có nội dung chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân Việt Nam… Do đó, dự thảo luật không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền./.