Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề nghị bổ sung quy định Tòa án hỗ trợ đương sự xác minh, thu thập chứng cứ
Việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn, xu thế hiện nay cũng như các nguyên tắc pháp luật và quy định về tố tụng hiện hành.
TTXVN - Tiếp tục Đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Mở rộng thẩm quyền của tòa án
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập qua 8 năm thi hành luật; đồng thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ giải pháp về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Về tổ chức tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quy định dự thảo luật “không khác so với luật hiện hành” bởi các tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện. “Nhìn chung, sự thay đổi này chỉ ở tên gọi. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương, quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan... vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Tòa án cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu cần, phải đổi mới toàn diện và thực chất, còn nếu chưa đủ điều kiện, tính khả thi, nên giữ như quy định của luật hiện hành”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, việc đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân sơ thẩm sẽ khắc phục được tình trạng có nhận thức cho rằng, tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án.
“Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên, số lượng các tòa án vẫn gắn liền với địa giới hành chính; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa này không thay đổi, vẫn chưa thể hiện được đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài”, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nói.
Đảm bảo khách quan để ra phán quyết công bằng
Quan tâm tới việc thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhất trí với quy định tại dự thảo và cho rằng, việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn, xu thế hiện nay cũng như các nguyên tắc pháp luật và quy định về tố tụng hiện hành. Bên cạnh đó, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay việc cho đương sự, khiến họ trông chờ vào tòa án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải công việc.
"Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay và so với luật hiện hành, đương sự được tạo điều kiện thuận lợi hơn", đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, một số trường hợp khi tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị bổ sung việc tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.
Tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, “cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên”.
Đại biểu phân tích: “Việt Nam theo hệ dân luật, tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá, xem xét và cần thiết sẽ thu thập chứng cứ. Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân chỉ có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có; trong khi đó, điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, dân trí, văn hóa, thành thị và nông thôn. Do đó, nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu chứng cứ bất lợi cho mình. “Sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân, không nên bỏ thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng, thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào tòa án. Chính vì vậy đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán khiến cho cá nhân và tổ chức “quên” nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Việc này đã dẫn tới tình trạng các cơ quan, đơn vị lấy lý do khi tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân.
“Hiện nay là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay, việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên tòa án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân”, đại biểu Mai Khanh nói./.