Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn; hoàn thiện tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.

Đáng chú ý, về hoàn thiện tổ chức bộ máy Tòa án, dự thảo Luật quy định tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm… Việc này để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết 27 của Trung ương. Đồng thời, quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án. Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Dự thảo Luật bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù. Dự Luật cũng đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp, theo đó Thẩm phán Tòa án gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2 bậc) và Thẩm phán (9 bậc). Bên cạnh đó, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.../.

PV

Tin liên quan

Xem thêm