Góp ý hoàn thiện Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật Lưu trữ
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật. Điều này thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
TTXVN - Ngày 15/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật Lưu trữ.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật. Điều này thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 17), đa số đại biểu chọn phương án không quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, qua đó, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sử dụng nguồn lực tài chính hỗ trợ cho công nghiệp quốc phòng, an ninh từ Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng, các đại biểu chọn phương án đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nội dung: Giao Chính phủ thực hiện thí điểm mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị; sau khi thực hiện thí điểm khoảng 5 năm sẽ tổng kết, đánh giá cụ thể để quy định bổ sung vào Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Điều này sẽ bảo đảm thận trọng và có kiểm nghiệm thực tiễn trước khi quy định trong Luật.
Nhiều đại biểu mong muốn dự thảo quan tâm cân nhắc các quy định về điều kiện tham gia động viên công nghiệp đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tránh tạo rào cản trong quá trình huy động cũng như đáp ứng điều kiện nhất định về năng lực, tính bảo mật… Dự thảo Luật cần có chính sách đặc thù, ưu tiên đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đóng góp ý kiến Luật Lưu trữ, đại biểu đề nghị rà soát kỹ các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8, để mang tính bao quát, tránh bỏ sót như: Hành vi làm sai lệch, gián đoạn tài liệu lưu trữ, hành vi tiêu hủy cơ sở dữ liệu, dữ liệu lưu trữ điện tử…Cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ nhằm xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ hành vi vi phạm./.