Biểu dương già làng, trưởng thôn tiểu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng
Giai đoạn năm 2018-2023, tỉnh Kon Tum có hơn 4.400 lượt người có uy tín được bình xét, công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
TTXVN - Nhân 78 năm Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum (25/8/1945 25/8/2023), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các già làng, trưởng thôn tiểu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2023. Tham dự có 40 già làng, trưởng thôn tiêu biểu đại diện cho hơn 1.600 người có uy tín trên toàn tỉnh.
Phát biểu tại đây, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum Đinh Quốc Tuấn cho biết, già làng, trưởng thôn, người có uy tín thường xuyên vận động người dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín đã gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng thế trận toàn dân gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, bình yên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Ông Đinh Quốc Tuấn đề nghị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nâng cao hơn nữa ảnh hưởng, uy tín của bản thân trong việc truyền dạy cho con cháu lòng tự hào và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, các dân tộc anh em cùng chung sức, đồng lòng, phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển.
Giai đoạn năm 2018-2023, tỉnh Kon Tum có hơn 4.400 lượt người có uy tín được bình xét, công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những già làng, trưởng thôn, người có uy tín được ví như “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số phát triển, tỉnh Kon Tum đã triển khai các mô hình sản xuất trên mọi lĩnh vực như: Mô hình lúa chất lượng cao ST25 (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi), mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn hôn nhân cận huyết thống (huyện Kon Rẫy và Sa Thầy), hình thành làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông). Tỉnh còn triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các hủ tục; thực hiện tốt phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an toàn trật tự thôn, làng khu vực biên giới; nâng cao nhận thức của người dân, tránh xâm nhập biên giới trái phép.
Các chương trình được triển khai đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển tích cực, dân trí được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Già A Chu (làng Đăk Vét, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con dân tộc thiểu số tại làng đã được nâng cao dân trí, biết làm kinh tế để phát triển. Người dân đã biết thực hiện gieo trồng 2 vụ/năm để đạt năng suất cao, kết hợp với các mô hình chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều gia đình đảm bảo được cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Dịp này, đại diện tỉnh Kon Tum thăm hỏi, biểu dương và trao tặng 40 suất quà cho các già làng, trưởng thôn tiểu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2023./.
- Từ khóa:
- Già làng
- trưởng bản
- người có uy tín
- an ninh
- quốc phòng