Các hiện tượng thiên tai tại Bình Thuận đã khiến 28 người bị thương, làm sập, tốc mái, hư hỏng 48 căn nhà, gây thiệt hại hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 65 tỷ đồng.
TTXVN - Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, từ ngày 2 - 6/6, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Hàm Tân, Tánh Linh, Tuy Phong, Bắc Bình… xảy ra hiện tượng mưa lớn kèm lốc xoáy cục bộ; làm hư hỏng nhiều nhà cửa của người dân, gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp.
Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất làm vùi lấp khoảng 30 ha mì, 27 ha dưa lấy hạt mới gieo trồng 15 ngày tuổi ở huyện Bắc Bình; làm tốc mái 2 căn nhà, ngã đổ hơn 350 cây điều, cây xoài, trụ thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam… Tại huyện Tánh Linh, trận mưa lớn đêm 5/6 đã khiến nước từ các khe suối đổ về thoát không kịp, gây ngập úng khoảng 50 ha lúa Hè Thu của người dân trên địa bàn.
Trước đó, vào chiều 2/6, khu vực huyện Hàm Tân đã xảy ra mưa to, kèm theo gió lốc xoáy cục bộ, giật mạnh với cường độ mạnh và nhanh, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn của khu phố 2 và 4, thị trấn Tân Nghĩa. Theo thống kê ban đầu, 2 người bị thương, 7 nhà và chòi canh của người dân bị tốc mái, hư hỏng, nhiều trụ điện bị gãy đổ và hư hỏng đường dây điện trên đường, làm gãy đổ một số cây trồng như mít, keo lá tràm... Ước tổng giá trị thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Ngay khi xảy ra các sự cố thiên tai, các địa phương phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra diện tích cây trồng bị thiệt hại, vận động nhân dân và huy động lực lượng xung kích tại chỗ tập trung khơi thông dòng chảy, khẩn trương khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời tiến hành thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ bị tốc mái nhà và những gia đình có người bị thương.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tại Bình Thuận, một số hiện tượng thiên tai, khí tượng thủy văn nguy hiểm xảy ra như sóng lớn, triều cường và sạt lở bờ biển; gió lốc xoáy, sét đánh, nắng nóng, gió mạnh, sóng lớn trên biển… gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các hiện tượng thiên tai đã khiến 28 người bị thương, làm sập, tốc mái, hư hỏng 48 căn nhà, gây thiệt hại hơn 200 ha sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 65 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ và đề phòng rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở, sụn lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, chiều 6/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc đề nghị các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn bãi thải, hồ chứa nước trong khu vực mỏ khoáng sản ứng phó mưa lũ.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát lại các bãi thải, các hồ chứa nước trong khu vực mỏ và các công trình bảo vệ các bãi thải, các hồ chứa nước; trên cơ sở đó xử lý, thực hiện các giải pháp để đưa về trạng thái an toàn đối với các khu vực có nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra sự cố để đảm bảo không gây sạt lở.
Tổ chức, cá nhân nào để xảy ra sự cố môi trường, mất an toàn bãi thải, hồ chứa nước, tai nạn lao động tại khu vực mỏ và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
- Từ khóa:
- khắc phục hậu quả mưa lũ
- Bình Thuận