Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bờ biển Hội An đã thường xuyên bị sạt lở trong nhiều năm qua. Để ngăn chặn tình trạng này, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình nhằm hạn chế thiệt hại.
Triền cường, sóng biển mạnh trong mấy ngày qua đã khiến vệt bờ biển đẹp, dài hơn 7 km của thành phố Hội An (Quảng Nam) tiếp tục bị sạt lở nặng ở nhiều đoạn. Nguồn tài nguyên du lịch quý giá và nhiều tài sản, nhà ở của người dân, nhất là khu vực phường Cẩm An bị cuốn trôi ra biển.
* Sóng biển và triều cường phá hủy sinh kế
Ngẩn ngơ trước phế tích của khối tài sản đã bị cuốn trôi ra biển trong mấy năm trước và phần kiến trúc xây dựng, đất liền còn lại đang bị tiếp tục bào mòn và đổ sập trong mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Lan, (trú tại tổ 4, khối phố Thạnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An) cho biết: Năm 2020, khu vực này là nơi sầm uất, bao gồm một dãy nhà 10 phòng hướng ra biển cho khách du lịch thuê, một nhà hàng, một cửa hàng quần áo, một cửa hàng làm đẹp và các công trình hậu cần dịch vụ du lịch của 5 hộ gia đình chuyên cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Nhưng sóng biển đã cuốn đi tất cả... Dưới bãi cát trắng mịn, các hộ ở đây từng bố trí hơn 70 ghế xếp, chủ yếu phục vụ khách quốc tế tắm nắng nhưng đến nay bãi cát này đã bị “biển hóa”.
Cũng theo bà Lan, trong mùa mưa bão cuối năm 2022, những dãy nhà phía sau các phòng cho du khách thuê, là nơi ở của 5 hộ gia đình đã bị sóng biển đánh sập. Mấy ngày qua, sóng biển và triều cường liên tục vỗ vào đất liền, khiến cho phần đất còn lại không ngừng bị sạt lở. Hiện tại, 4 hộ gia đình ở đây đã buộc phải di chuyển ở nơi ở khác. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.
“Nhờ nền móng, vách tường của một phòng cho khách du lịch thuê ở phía mặt biển chưa bị sạt lở và kè đá do gia đình tự che chắn, cửa hàng quần áo chưa bị sóng biển đánh sập. Tuy nhiên, nếu triều cường, sóng biển cứ tiếp tục như thế này, cửa hàng này bị đánh sập trong thời gian tới là không thể tránh khỏi”, bà Lan lo lắng.
Không riêng các hộ gia đình nơi bà Nguyễn Thị Lan sinh sống có nhà cửa bị sóng biển đánh sập và cuốn trôi, cách đó không xa, những ngôi biệt thự ven biển đã, đang và sẽ tiếp tục bị triều cường, sóng biển tấn công. Để bảo vệ tài sản, nhiều chủ các ngôi biệt thự này đã dùng hàng nghìn khối bê tông, xếp cao hàng chục mét trước sân để ngăn chặn sạt lở.
Ở gần khu vực mép nước biển, chủ các biệt thự còn dùng hàng nghìn khối bê tông khác xếp chồng lên nhau để ngăn chặn sóng biển từ xa khiến cho nhiều đoạn bờ biển tuyệt đẹp của Hội An đã bị bê tông hóa trước sự xâm thực ngày càng nghiêm trọng của triều cường, sóng biển.
* Kiên trì với những giải pháp căn cơ, bền vững
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết: khu vực bờ biển khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An tiếp tục bị triều cường và sóng biển xâm thực vào trong đất liền. Khu vực bờ biển này chưa nằm trong vùng bảo vệ của dự án trung hạn là đê ngầm kết hợp tạo bãi đã được xây dựng. Trong mỗi đợt biển động, khu vực bờ biển phường Cẩm An thường xuyên bị sóng biển xâm thực, bào mòn, gây sạt lở nặng.
Để khắc phục tình trạng này và bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, tỉnh Quảng Nam đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng thêm đoạn kè dài khoảng hơn 500 m, nối từ điểm cuối của đoạn đê ngầm và tạo bãi đã thi công hoàn thiện vào năm 2022. Được biết, hiện nay, hồ sơ của dự án kế tiếp này đã được các cơ quan chức năng lập xong, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động môi trường.
Dự kiến nếu các hồ sơ thủ tục hoàn thành vào giữa năm 2023, dự án kế tiếp này sẽ được triển khai thực hiện. Tin rằng sau khi công trình đê ngầm và tạo bãi mới này hoàn thành sẽ chấm dứt căn bản tình trạng sạt lở. Trước mắt, thành phố Hội An đã sơ tán các hộ gia đình trong khu vực bị sạt lở đến nơi ở an toàn để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bờ biển Hội An đã thường xuyên bị sạt lở trong nhiều năm qua. Để ngăn chặn tình trạng này, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình nhằm hạn chế thiệt hại do nạn sạt lở bờ biển gây ra. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có các công trình kè ngầm kết hợp với tạo bãi là có khả năng phát huy hiệu quả. Những công trình mang tính cấp bách như kè bằng rọ đá, bao tải cát đều không trụ vững được trước sự tàn phá của triều cường và sóng biển.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết: Những năm qua, bờ biển thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành liên tục bị sạt lở, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như sinh kế của người dân.
Trước thực tế này, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhằm bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Ở những khu vực xung yếu, những bãi tắm thu hút lượng lớn khách du lịch, nhất là khách quốc tế ở thành phố Hội An đã triển khai hai dự án xây kè ngầm cách xa mép nước biển kết hợp tạo bãi. Những dự án này đã, đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ sinh kế, bảo vệ tài sản cho người dân.
Với khu vực bờ biển thuộc phường Cẩm An đang bị sạt lở nặng, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các thủ tục cần thiết để tiếp tục xây dựng công trình đê ngầm kết hợp tạo và nuôi bãi để ngăn chặn nạn sạt lở một cách căn cơ. Các hồ sơ thủ tục của dự án này đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở cho việc trình UBND tỉnh phê duyệt dự án, sớm triển khai thực hiện trong năm 2023. Hy vọng rằng sau khi các dự án này hoàn thành, bờ biển Hội An, nguồn tài nguyên quý giá, đời sống và tài sản của người dân trong khu vực sẽ được bảo vệ an toàn./.
- Từ khóa:
- bờ biển Hội An
- sạt lở bờ biển
- biến đổi khí hậu