Môi trường

Thái Nguyên: Bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp

Thái Nguyên

Thái Nguyên trung giải quyết dứt điểm tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Nhà máy sản xuất ván gỗ MDF của Công ty TNHH Dongwha Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Công II đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động. (Ảnh: Nguồn/TTXVN)

Theo ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, các ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường quản lý các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và không chấp hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền; đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, giảm dần tỷ lệ chất thải sinh hoạt xử lý theo công nghệ chôn lấp thông thường; nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường, đáp ứng yêu cầu giám sát môi trường trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội...

Dây chuyền sản xuất camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. (Ảnh: Nguồn/TTXVN)

Thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, hai năm qua, các huyện, thành phố trên địa bàn đã thu gom, xử lý khoảng 90% rác thải sinh hoạt tại khu vực đô thị; các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp đảm bảo xử lý trên 6.000 tấn/ngày. 

Toàn tỉnh đã bổ sung thêm 3 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, tăng thêm 13 điểm quan trắc môi trường không khí, nâng số điểm quan trắc không khí của toàn tỉnh lên 43 điểm. 

Đồng thời, tỉnh đôn đốc 14 cơ sở có hoạt động xả khí thải lưu lượng lớn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy B, Sông Công II, Trung Thành, khẩn trương hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, không thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Sản xuất camera tại Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. (Ảnh: Nguồn/TTXVN)

Đến nay, cả 9 huyện, thành phố và 100% UBND cấp xã trong tỉnh đã công bố đường dây nóng, đăng ký danh sách cán bộ sử dụng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 460 cuộc kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất xi măng, sản xuất giấy, trang trại chăn nuôi...; xử phạt hành chính hơn 6 tỷ đồng. 

Riêng cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra hơn 370 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; khởi tố 10 vụ với 16 bị can; xử phạt hành chính 361 vụ với 376 đối tượng vi phạm... 

Qua đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, sau hai năm thực hiện Đề án, nhiều nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai; trong đó, một số nhiệm vụ của cả giai đoạn đã sớm hoàn thành như sửa đổi, thay thế bộ đơn giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện hành; điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; xây dựng quy chế phối hợp về công tác quản lý môi trường trong khu công nghiệp và một số quy định bảo vệ môi trường đối với một số lĩnh vực đặc thù... 

Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp được cải thiện; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được quan tâm đầu tư; công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm trong bối cảnh kinh tế-xã hội tăng trưởng ở mức cao.

Tuy vậy, hiện công tác bảo vệ môi trường ở Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, khu dân cư chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn và nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh còn thấp. 

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước do hoạt động chăn nuôi và ô nhiễm môi trường không khí có xu hướng gia tăng; vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nằm trong các khu dân cư tập trung chưa được di dời hoặc đổi mới công nghệ sản xuất.../.

Hoàng Thảo Nguyên

Xem thêm