Các đại biểu đã thảo luận góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý đất nông, lâm trường, chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
TTXVN - Chiều 10/3, tại thành phố Pleiku, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cùng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đồng chủ trì Hội thảo.
Lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum) và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương đã dự Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, nội dung buổi làm việc là lấy ý kiến lãnh đạo, đại diện các sở, ngành của các địa phương trong vùng về 9 nhóm vấn đề trọng tâm và 4 nội dung có tính đặc trưng của vùng, miền. 4 nội dung đặc trưng vùng miền, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề quản lý, sử dụng đất nông lâm trường được nhiều đại biểu quan tâm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến có giá trị vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cho biết, sau khi có Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều kênh thông tin để tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Các vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất… được hội thảo luận giải, phân tích, tham gia ý kiến trên cơ sở thực tiễn, đặc thù đất đai ở Tây Nguyên.
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, vùng Tây Nguyên có những đặc thù riêng, nhất là các vấn đề về lịch sử, di dân tự do, là vùng có nhiều dân tộc thiểu số, đất lâm nghiệp chiếm đa số… Vì vậy, một số nội dung phải quy định cụ thể và không chồng chéo với các luật khác. Đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý đất nông, lâm trường, chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quy định giá đất sát với thị trường.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị, bỏ quy định “Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất”. Nguyên nhân do các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là nhận giao khoán thuê đất của các công ty nông, lâm trường bản chất là đất của nhà nước, các công ty có đầu tư về tài sản nên không thể công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhận giao khoán.
Đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, tỉnh Đắk Nông đề nghị sửa điểm a khoản 2 Điều 137, “thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm tranh chấp đất đai”, thành “thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có nguồn gốc từ lấn chiếm đất của các nông, lâm trường sử dụng ổn định không tranh chấp đất đai”.
Lý do hiện nhiều diện tích đất người dân đã lấn chiếm của các công ty nông, lâm nghiệp, lâm trường và sử dụng ổn định. Hiện nay, những diện tích đất này đã được thu hồi của các công ty lâm nghiệp, các nông- lâm trường giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, nếu theo quy định của dự thảo, các công ty lâm nghiệp, nông - lâm trường sẽ khó có phương án để xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nêu ý kiến, thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP, tỉnh Kon Tum đã hoạch định lại diện tích đất bị lấn chiếm, diện tích đất của công ty không sử dụng được giao về cho địa phương quản lý. Hiện nay, việc giải quyết đối với diện tích đất này rất khó khăn, vì đa số người dân sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành, cần có chính sách, quy định cụ thể để giải quyết theo hướng: đối tượng nào được tiếp tục sử dụng đất, đối tượng nào không được sử dụng; hạn mức cho thuê, hoặc cấp ra sao.
Về việc thu hồi diện tích đất đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật bị lấn chiếm, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư không đúng quy định, tỉnh Kon Tum kiến nghị, diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý phải tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính và cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện, do đó cần quy định ưu tiên bố trí kinh phí đo đạc đối với đất nông, lâm trường nhằm giải quyết triệt để việc lấn chiếm.
Đại diện hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng cùng đề nghị bổ sung thêm quy hoạch về quy định hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, sản xuất, cho phép người dân nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nhanh chóng gửi Báo cáo tổng hợp lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật của các địa phương, bộ, ngành cho Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Thông qua đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ giám sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo; bảo đảm sửa đổi Luật Đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đúng như kỳ vọng của nhân dân và nhiệm vụ mà Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đề ra./.
- Từ khóa:
- Luật Đất đai (sửa đổi)
- Tây Nguyên