Bến Tre đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản... để người dân nắm và phối hợp cung cấp thông tin, tố giác các vi phạm pháp luật về khoáng sản.
TTXVN - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, qua 5 năm (2017-2022) thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tình hình khai thác cát trái phép được kiểm soát, không xảy ra "điểm nóng" và giảm dần qua các năm, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản, thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh về quản lý tài nguyên, khoáng sản, trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Bến Tre đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến tận người dân, cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động khoáng sản để người dân nắm và phối hợp cung cấp thông tin, tố giác các vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hoặc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép điều khiển phương tiện…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Bến Tre, 5 năm qua, các sở, ngành, địa phương có sự quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản, nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện đã mở nhiều đợt kiểm tra (định kỳ, đột xuất); tổ chức cao điểm để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhất là tại các điểm nóng, dư luận phản ánh. Cụ thể, ngành chức năng đã tổ chức 4.022 đợt kiểm tra, xử phạt 2.964 vụ, khởi tố 43 vụ, nhắc nhở 61 vụ; ban hành 3.916 quyết định xử phạt, với tổng số tiền 75,84 tỷ đồng, tịch thu 142 phương tiện vi phạm trị giá 37,43 tỷ đồng, tịch thu 16.754,53m3 khoáng sản trị giá 1,15 tỷ đồng.
Tuy tình hình khai thác khoáng sản 5 năm qua ở Bến Tre cơ bản được kiểm soát, không xảy ra bị động, bất ngờ hoặc "điểm nóng" nhưng có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với hoạt động khai thác cát sông để làm vật liệu xây dựng thông thường, dẫn đến dư luận phản ánh nhiều và bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, phương tiện vi phạm chủ yếu tải trọng nhỏ nhưng số lượng phương tiện tham gia nhiều (khoảng 630 phương tiện), ở hầu hết các tuyến sông, tuyến biển. Các đối tượng lợi dụng việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép với các thủ đoạn tinh vi; tàng trữ, vận chuyển khoáng sản (cát sông) không có nguồn gốc hợp pháp. Đáng chú ý, gần đây tại 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú phát sinh tình trạng khai thác trái phép đất rừng, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất bờ kênh, mặt ruộng.
Theo Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Bến Tre, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trên 411 dự án, công trình đang triển khai thi công (có 6 dự án đường cao tốc dài 400 km phải hoàn thành trước năm 2025). Ngoài ra, tại địa phương cũng có nhiều công trình, dự án tập trung triển khai thực hiện nên nhu cầu san lấp lớn; trong khi nguồn cung không đủ cầu, lợi nhuận cao dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản (đất, cát) trái phép gia tăng, gây nguy cơ sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, đời sống của người dân./.