Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cao Bằng cần quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa
Cao Bằng cần quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tăng cường chuyển đổi số; huy động mọi nguồn lực để thực hiện kiên cố hoá trường, lớp học...
Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cần có chiến lược cho chặng đường phía trước, xác định được định hướng, mục tiêu giáo dục của tỉnh nhà một cách phù hợp nhất theo thực tế ở địa phương. Trước mắt, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao dân trí, thực hiện phổ cập giáo dục là trước tiên để phấn đấu, tiến tới đáp ứng được nguồn nhân lực cho tỉnh. Cao Bằng cần quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tăng cường chuyển đổi số; huy động mọi nguồn lực để thực hiện kiên cố hoá trường, lớp học...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, trong năm học tới, Cao Bằng cần tiếp tục rà soát mạng lưới và hệ thống phân bổ các cơ sở giáo dục; có kế hoạch củng cố hệ thống trường bán trú trên địa bàn toàn tỉnh; đổi mới chất lượng dạy và học; nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên; quan tâm đến đời sống của giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao việc tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác giảng dạy tại các điểm trường...
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh đề nghị ngành Giáo dục tỉnh cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành giáo dục phải phát huy hiệu quả những thế mạnh về văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần xây dựng nguồn nhân lực vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước...
Ông Trần Hồng Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cho Ngành Giáo dục của tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm học 2024 - 2025 và những năm học tiếp theo; ưu tiên hỗ trợ Cao Bằng tham gia các dự án, đề án phát triển các lĩnh vực giáo dục theo từng cấp học, bậc học. Bộ tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Chính phủ quan tâm xây dựng thêm cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ với học sinh, nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư, toàn tỉnh có 519 cơ sở giáo dục với 5.794 lớp học. Học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%; số học sinh diện chính sách là 88.727 học sinh, chiếm trên 65%.
Năm học 2023 - 2024, tỉnh duy trì 10/10 đơn vị cấp huyện, 161/161 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, tỉnh duy trì và giữ vững 158 xã đạt mức độ 3; dự kiến tăng thêm 3 xã đạt chuẩn mức độ 3; có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 3; tiếp tục duy trì nâng cao kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã đạt được của năm 2023, duy trì và giữ vững các xã, huyện đạt chuẩn mức độ 2, mức độ 3; dự kiến hết năm 2024 tăng thêm 4 xã đạt mức độ 2...
Đến tháng 6/2024, ngành Giáo dục đã trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Ước hết năm 2024, tỉnh có thêm 4 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% chỉ tiêu giao. Toàn tỉnh dự kiến sử dụng khoảng 269 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học cho các cấp học, phục vụ công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở đã tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng mới 375 viên chức; huy động 35 giáo viên môn Tiếng Anh ở các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và đào tạo biệt phái đến huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm dạy học trực tiếp, góp phần giải quyết thiếu viên chức ngành Giáo dục.
Một số hạn chế của Giáo dục tỉnh Cao Bằng là công tác tuyển dụng giáo viên gặp rất nhiều khó khăn do giáo viên về nghỉ hưu theo chế độ, chuyển vùng công tác khá nhiều; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh; thiếu phòng học bộ môn; phòng học chưa đạt yêu cầu chuẩn hoá; thiếu ngân sách chi dạy vượt giờ, sửa chữa bảo trì tài sản, công tác phí, mua sắm vật tư, thiết bị...
Dịp này, 5 nhà giáo tỉnh Cao Bằng được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023./.