Văn hóa

Bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng của người Hà Nội

Hà Nội

Cùng với việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Người dân Hà Nội nghiên cứu quy tắc ứng xử. (Ảnh tư liệu)

TTXVN - Nhiều cách làm hay, mô hình điểm xuất hiện khi thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trở thành hình mẫu để thành phố nhân rộng ra các địa bàn khác.

Các mô hình điểm đó là: Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình ( Chung cư 88 Láng Hạ - quận Đống Đa, Chung cư Gamuda - quận Hoàng Mai); mô hình nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ (quận Hoàn Kiếm); mô hình sinh viên tình nguyện tuyên truyền du lịch thân thiện (tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long); mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường (quận Đống Đa); mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp (thôn Thu Quế, xã Song Phượng - huyện Đan Phượng); mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn (Di tích đền bà Tấm - huyện Gia Lâm, Di tích thành Cổ Loa - huyện Đông Anh); mô hình làng văn hóa tiêu biểu (Làng văn hóa thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng - huyện Thanh Oai)…

Các quận, huyện, thị xã xây dựng những mô hình riêng mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình, quận Long Biên có nhiều mô hình, sáng kiến được xây dựng từ các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Đặc biệt, từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên đã triển khai mô hình “Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hạnh phúc”. Năm 2022, quận Long Biên nhân rộng việc thực hiện “Văn hóa cúi chào” đến tất cả các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở, đang được lan tỏa trong học sinh và các thầy cô giáo.

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho rằng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống, làm việc là mục tiêu quan trọng của việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về Quy tắc ứng xử, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cùng với việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Để đưa bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống một cách hiệu quả, các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các ngành, địa phương chú trọng chất lượng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương..., qua đó nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử trong nhân dân./.

Đinh Thuận

Xem thêm