Văn hóa

Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện

Bản quyền (quyền tác giả) là vấn đề mấu chốt để thư viện có thể bứt phá và khẳng định vai trò trong xã hội.

Hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện”. Ảnh: Hương Sen

TTXVN - Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng khoảng 200 đại biểu, đại diện các cơ quan, đơn vị trên cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, thư viện, chuyển đổi số và sở hữu trí tuệ...

Phát biểu tại hội thảo, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Thư viện số là yêu cầu bắt buộc và xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số với yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ và tiến hành số hóa tài nguyên thông tin, phổ biến thông tin trên môi trường số thì vấn đề bản quyền (quyền tác giả) luôn là vấn đề mấu chốt để thư viện có thể bứt phá và khẳng định vai trò trong xã hội.

Theo quy định của Luật Thư viện, với nguyên tắc lấy bạn đọc của thư viện làm trung tâm; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân, thư viện có trách nhiệm phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong đó, việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung bảo đảm thực thi các quy định về quyền tác giả đối với phát triển và phục vụ tài nguyên thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin số.

Theo bà Kiều Thúy Nga, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng về chuyển đổi số và vấn đề thực thi bản quyền trong thư viện hiện nay; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn tồn tại trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền vào thực tiễn chuyển đổi số thư viện. Hội thảo nhằm đề xuất phương hướng, giải pháp để khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số đối với từng loại hình thư viện đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bà Kiều Thúy Nga cho rằng, việc đánh giá đúng thực trạng thực thi bản quyền tác giả trong hoạt động thư viện nói chung, chuyển đổi số ngành thư viện nói riêng thời gian qua và nghiên cứu, nắm vững, hiểu rõ nội dung mới của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả trong hoạt động thư viện là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây là căn cứ để xây dựng giải pháp phát triển nguồn tài nguyên thông tin đặc biệt - nguồn tài nguyên số và phục vụ người dân góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra trong chương trình chuyển đổi số, tiến tới xây dựng thư viện hiện đại phục vụ người dân.

Đại biểu tham dự hội thảo tìm hiểu về chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Ảnh: Phương Lan

Các ý kiến tại hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận những vấn đề cơ bản như: Phát huy giá trị và lợi thế của những điểm mới của pháp luật về quyền tác giả trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đối với hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực thi quyền tác giả và về vận dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển đổi số thư viện; chia sẻ các mô hình và cách làm hay, hiệu quả trên thực tế.

Các tham luận chính tại hội thảo là: Giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin dạng số và liên thông thư viện; chia sẻ, liên thông thư viện với các nước và tổ chức hội nghề nghiệp về thư viện quốc tế; các nguồn lực bảo đảm cho việc thực thi; Nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện, giải pháp khắc phục; Vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện phục vụ người khuyết tật;...

Hội thảo góp phần giúp các nhà quản lý sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền tác giả trong thư viện, khắc phục những thách thức đặt ra, từ đó giúp quá trình chuyển đổi số trong thư viện được thực hiện có hiệu quả./.


Phương Lan

Xem thêm