Môi trường

Cà Mau nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng

Cà Mau

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân cư ngụ trong khu vực rừng và ven rừng được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng ở Cà Mau.

Diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

TTXVN - Công tác bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Cà Mau được cơ quan chức năng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt mức kế hoạch đề ra trong năm qua... Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là một bộ phận dân cư sinh sống ven rừng còn vi phạm quy định pháp luật về lâm nghiệp.

* Tạo ra giá trị tăng cao từ rừng

Cà Mau hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý là trên 143.680ha, trong đó diện tích có rừng tập trung khoảng hơn 94.000ha với 3 vùng sinh thái gồm đất rừng ngập phèn (rừng U Minh Hạ), đất rừng ngập mặn và đất rừng trên đảo.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau đã tăng cường chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt là triển khai, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh để biết và thực hiện có hiệu quả.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau, song hành với giải pháp tuyên truyền, cơ quan chủ quản thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác quản lý rừng của các chủ rừng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho thuê rừng, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để quản lý và hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tính đến hết năm 2022, tỉnh có 26/30 tổ chức quản lý rừng có phương án quản lý rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 01 tổ chức đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với diện tích 1.047ha tại U Minh Hạ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tham mưu UBND tỉnh góp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030; Phương án phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Các huyện, địa phương có rừng chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy chế quản lý 3 loại rừng, đảm bảo sử dụng rừng đúng mục đích.

Năm 2022, tỉnh trồng mới 300ha rừng; trồng 3.700ha rừng sau khai thác; 33ha rừng thay thế và trồng khoảng 2,8 triệu cây phân tán; bảo vệ tốt rừng đặc dụng và rừng phòng hộ với tổng diện tích 42.152ha. Tổng diện tích khai thác rừng đạt khoảng 4.000ha/6.650ha (đạt hơn 60% so kế hoạch); sản lượng đạt khoảng 350.000/581.000m3 (đạt hơn 60% so kế hoạch).

Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng tăng dần tỷ lệ sản phẩm gỗ có đường kính lớn để tạo ra giá trị tăng cao. Hiện nay, diện tích rừng trồng lên liếp có chất lượng cao ở U Minh Hạ đạt khoảng 22.300ha, trong đó rừng keo lai 9.800ha và rừng tràm 12.500ha.

* Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng

Tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Điển hình như Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra, ngăn chặn các hành vi chặt phá, khai thác rừng, xây lò hầm than, săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đều được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện 90 vụ vi phạm, phần lớn liên quan đến phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái phép... Tuy số vụ vi phạm gia tăng nhưng các hành vi vi phạm pháp luật về lâm sản chỉ mang tính chất, mức độ nhỏ lẻ và không nghiêm trọng, không xảy ra vụ việc chống người thi hành công vụ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong khi đó, một bộ phận người dân sinh sống trong và ven rừng vẫn chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Một số chủ rừng chưa kịp thời ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cũng như có vụ tranh chấp, chiếm đất rừng kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Bên cạnh việc một số doanh nghiệp thuê đất trồng rừng nguyên liệu chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thì còn phải kể đến tình trạng người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm khu vực rừng U Minh Hạ vẫn xảy ra. Các hộ gia đình, cá nhân được giao, được khoán rừng và đất lâm nghiệp quy mô diện tích nhỏ ở khu vực rừng ngập mặn chưa thực hiện tốt công tác trồng rừng đảm bảo theo đúng tỷ lệ quy định.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quan tâm đầu tư thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên dụng, đảm bảo tối thiểu cho hoạt động. Đặc biệt là xác định rõ công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững nhấn mạnh giải pháp phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chủ rừng và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp. UBND tỉnh đề nghị lực lượng kiểm lâm địa bàn, các chủ rừng cần phát huy tốt trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; chủ động thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm ‘‘4 tại chỗ’’, trong đó thực hiện nhiệm vụ phòng cháy là chính.

Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ và nắm bắt kịp thời tình hình để có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, phù hợp; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và đánh giá cấp chứng chỉ về rừng.

Cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; thực hiện trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới, trồng cây phân tán, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng. Các địa phương có giải pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng xói lở bờ biển, khôi phục lại rừng phòng hộ và nâng cao tác dụng của rừng phòng hộ ven biển.

Tỉnh có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; coi trọng việc nắm bắt tin báo, tố giác những hành vi sai trái của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh cần phải được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân cư ngụ trong khu vực rừng và ven rừng được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng ở Cà Mau. Việc làm này không chỉ có tác dụng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, mà còn góp phần hạn chế số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

Kim Há

Xem thêm