Du lịch

Các biện pháp quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long

Quảng Ninh

UBND thành phố Hạ Long đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung Quy định các biện pháp quản lý tàu du lịch trên hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Một góc vịnh Hạ Long. 
Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trên hai vịnh, UBND thành phố Hạ Long đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung Quy định các biện pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ hành khách, khách du lịch trên hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long theo hướng tàu kinh doanh lĩnh vực nào thì khai thác lĩnh vực đó. Cụ thể là “khi tàu đã có khách lưu trú, không được kết hợp đón khách tham quan. Tàu lưu trú đã vận chuyển khách tham quan (không lưu trú ngủ đêm) không được tham gia hành trình các tuyến du lịch của tàu tham quan tại tuyến 1, tuyến 2 vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long".

Mới đây ngày 10/7/2024, UBND thành phố Hạ Long có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị điều chỉnh biện pháp quản lý đối với tàu lưu trú vận chuyển khách tham quan trên hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Theo đó, UBND thành phố cho rằng, từ khoảng đầu năm 2024 đến nay, nhiều chủ phương tiện, tàu lưu trú chuyển đổi mô hình kinh doanh sang đón khách tham quan (không lưu trú ngủ đêm) dẫn đến quá tải các điểm tham quan trên hành trình tuyến 1, tuyến 2 của hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hải trình của tàu tham quan và quyền lợi của các chủ tàu thường xuyên hoạt động tại khu vực trên.

Chủ trương đa dạng sản phẩm du lịch ở hai vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là đúng đắn. Song, công tác quản lý lại không theo kịp dẫn đến những bất cập, gây xung đột lợi ích của các bên kinh doanh. Đây là vấn đề được giới kinh doanh tàu du lịch ở Quảng Ninh quan tâm hiện nay.

Thực tế hơn một năm qua, Quảng Ninh vẫn loay hoay chưa có phương án quản lý cho loại hình kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch kết hợp dịch vụ nhà hàng và biểu diễn nghệ thuật trên vịnh Hạ Long) mới này, nhằm tạo ra sự công bằng trong kinh doanh trên địa bàn.

Để có thêm sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách sau ngày du lịch được mở cửa trở lại khi kiểm soát được COVID-19, ngày 28/4/2022, UBND thành phố Hạ Long đã chính thức khai trương sản phẩm "Phố đêm du thuyền". Sản phẩm này được thí điểm trong vòng 1 năm, tại khu vực nội thủy của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (phường Bãi Cháy) với 30 tàu khách tham quan vịnh được kinh doanh dịch vụ ăn đêm, hoạt động từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày.

Theo Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND, ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh về quy định tạm thời quản lý vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tàu khách tham quan không có chức năng tàu nhà hàng. Tàu Ambassador Cruise II là tàu du lịch đóng mới, đăng ký kinh doanh tàu lưu trú (ngủ đêm trên vịnh Hạ Long) và được bổ sung vào đội tàu kinh doanh ở “Phố đêm du thuyền”, hoạt động theo hình thức tàu nhà hàng kết hợp biểu diễn nghệ thuật.

Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. 
Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Vấn đề chỉ phát sinh sau thời điểm hết hạn thí điểm 1 năm (từ ngày 28/4/2023). Trong khi toàn bộ 30 tàu du lịch tham quan vịnh nằm trong danh sách “Phố đêm du thuyền” ngừng hoạt động, chỉ có tàu Ambassador Cruise II vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh ăn uống và kết hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên tàu.

Đại diện UBND thành phố Hạ Long cho hay, mô hình “Phố đêm du thuyền” đã hết hạn thí điểm, đến khi tỉnh ban hành nghị quyết thu phí tuyến tham quan ngắm cảnh ven bờ sẽ triển khai tiếp.

Đáng nói, khi đón khách xuống tàu, rời bến để phục vụ ăn uống và thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tàu Ambassador Cruise II không có lệnh rời/cập cảng. Lý do được Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh đưa ra là để cấp lệnh rời/cập cảng thì tàu phải có hải trình điểm đi, điểm đến. Vì tàu Ambassador chỉ rời bến và đi loanh quanh trong âu cảng, không có điểm đến cụ thể nên đơn vị không thể cấp lệnh rời/cập cảng được.

Nhiều chủ tàu trên vịnh Hạ Long đặt vấn đề, mô hình “Phố đêm du thuyền” đã hết thời hạn thí điểm, liệu tàu Ambassador Cruise II có hoạt động trái pháp luật hay không. Hơn nữa, các phương tiện không được thiết kế là tàu nhà hàng, nên khá nguy hiểm khi hoạt động vào ban đêm trên vịnh.

Các chủ tàu cũng cho rằng, việc đưa khách xuống tàu buộc phải có lệnh xuất bến, danh sách hành khách, kê khai thuế theo quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và gắn trách nhiệm quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối hoạt động kinh doanh tàu du lịch.

Tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. 
Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Ngược với quan điểm này, đại diện đơn vị quản lý tàu Ambassador Cruise II cho rằng, sản phẩm "Phố đêm du thuyền" tuy đã hết thời hạn thí điểm, song, chính quyền địa phương chưa có văn bản chính thức nào dừng hoạt động. Doanh nghiệp không sai khi tiếp tục tổ chức hoạt động kinh doanh bởi công ty được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Một chủ tàu có thâm niên kinh doanh gần 20 năm trên vịnh Hạ Long cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh tàu cần tuân thủ và tôn trọng quy hoạch đội tàu, tàu nào đúng với chức năng tàu đó. Các tàu trước khi đóng đều phải có văn bản xin chấp thuận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu buông lỏng khi cho phép đóng những con tàu với đăng kiểm quá lớn, số khách lớn. Hiện nay, nhóm tàu tham quan đã có mẫu, số khách được đăng ký ở các mức là 48 - 72 - 99. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhóm tàu lưu trú ngủ đêm có sức chứa lên tới vài trăm khách, lại được kinh doanh kết hợp giữa lưu trú ngủ đêm và tham quan, nhà hàng… tạo ra sự xung đột lợi ích với các tàu khác và các hoạt động trên bờ.

Mới đây, khi có thông tin UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở liên quan xem xét đưa một số tàu của các đơn vị vào nhóm 10 tàu nhà hàng chỉ hoạt động ven bờ theo chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Thông báo số 1449-TB/TU ngày 25/7/2019, đại diện một doanh nghiệp nằm trong vùng điều chỉnh này cho rằng, việc điều chỉnh cần được xem xét xuất thân của loại hình tàu và cần làm công khai, minh bạch nhằm tránh gây bất lợi, thiệt hại cho doanh nghiệp./.

PV

Xem thêm