Tây Ninh đang triển khai các giải pháp để hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Tính đến nay, ngành Du lịch Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả thuận lợi, vươn lên khởi sắc mạnh mẽ và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh. Thống kê 7 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Tây Ninh đạt 3,7 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 2.024 tỷ đồng, tăng 39,4% so cùng kỳ năm 2023.
* Phát huy thế mạnh tiềm năng
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh, địa phương có thế mạnh nhờ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần thị trường du lịch lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh. Tây Ninh còn có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các tỉnh, thành phố và là đầu mối giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch với các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là kết nối tour, tuyến du lịch với Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN khác.
Tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sông nước, miệt vườn, văn hóa-tâm linh, lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử.
Ông Trần Anh Minh cho biết, tỉnh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Cũng theo ông Trần Anh Minh, những năm qua, Tây Ninh đã định hướng phát triển kết nối đồng bộ nhóm các điểm tham quan trọng điểm (Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam) cùng với nhóm các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa (Vườn Di sản ASEAN – Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát) và hệ thống các di tích trên địa bàn mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng.
Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được tỉnh Tây Ninh xác định sẽ làm trọng tâm phát triển, dẫn dắt du lịch của địa phương. Do đó, núi Bà Đen ngày càng được đầu tư hiện đại với nhiều công trình tâm linh độc đáo. Năm 2023, núi Bà Đen đạt 5 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi. Trong khi đó, tính đến hết tháng 7/2024, núi Bà Đen chính thức đạt 4 triệu lượt đi cáp treo. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực cho thấy lượng khách đến với núi Bà Đen trong năm nay hứa hẹn tăng đáng kể, nhất là vào dịp cuối năm.
Anh Nguyễn Hoàng Linh, ngụ tỉnh Bến Tre cho biết vô cùng ấn tượng trước sự thay đổi ngoạn mục của núi Bà Đen qua những công trình tâm linh cùng nghệ thuật chiếu phim 3D tìm hiểu về Phật giáo độc đáo. Tây Ninh hiện tại có nhiều cái hay để khám phá, từ điểm đến cho đến các đặc sản.
Cùng cảm nhận, chị Trần Hoài Thanh Mỹ, ngụ tỉnh Cà Mau cho rằng, đường giao thông thuận lợi cùng với những điểm đến hấp dẫn là những điểm cộng cho Tây Ninh về du lịch. Theo chị Mỹ, nếu như trước đây, gia đình chị đến Tây Ninh chỉ đến núi Bà Đen rồi về thì nay đã có nhiều điểm hơn để khám phá, trải nghiệm. Du lịch đêm tuy chưa phát triển nhưng tận dụng thời gian này để khám phá ẩm thực Tây Ninh là điều phù hợp nhất.
* Tăng tốc liên kết vùng
Liên kết hợp tác vùng trong phát triển du lịch được tỉnh Tây Ninh xác định là một trong những hướng đi quan trọng, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó, từ năm 2020, Tây Ninh đã ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 giữa 6 tỉnh, thành phố trong vùng. Đến giữa tháng 8/2024, UBND tỉnh Tây Ninh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng đã chính thức ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2029.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhận định, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác về lĩnh vực du lịch, góp phần đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đưa du lịch vùng Đông Nam Bộ nói chung, du lịch Tây Ninh nói riêng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới.
“Việc ký kết hợp tác phát triển du lịch sẽ giúp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng. Đặc biệt trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch, các địa phương sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh, bổ trợ cho nhau những sản phẩm du lịch mới lạ, tăng tính liên kết. Qua đó gia tăng chất lượng du lịch vùng Đông Nam Bộ, giúp lan tỏa sản phẩm du lịch các địa phương ra thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Thanh nói.
Tây Ninh cũng đang triển khai các giải pháp để hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, địa phương đang triển khai nhiều đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, nhất là kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, từ đó góp phần phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của tỉnh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, về giải pháp trước mắt, tỉnh đang tập trung hỗ trợ pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch. Mặt khác, Tây Ninh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và đường thủy nhằm kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, các địa phương, cũng như Campuchia.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như khách sạn từ 3-5 sao, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, hệ thống cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, Tây Ninh cũng tăng cường thêm các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour tuyến du lịch giữa các tỉnh, thành phố; từng bước thu hút, mở rộng thị trường du lịch quốc tế./.