Xã hội

Các tổ chức tôn giáo chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Ninh Bình

Các tổ chức tôn giáo tại Ninh Bình đã vận động chức sắc, phật tử, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; góp phần tạo nên những thay đổi lớn.

Gắn với giáo lý hòa hợp dân tộc, tôn giáo đồng hành cùng Tổ quốc, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ở Ninh Bình đã vận động chức sắc, phật tử, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; góp phần tạo nên những thay đổi lớn, toàn diện. Sự chung sức, đồng lòng của các tôn giáo đã trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi đây.

Phật tử xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình) tích cực cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

* Cùng góp sức, góp của

Xã Yên Phong (huyện Yên Mô) là địa phương có đông người dân theo Phật giáo sinh sống với khoảng 1.900 phật tử. Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các phật tử tham gia. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cùng với Mặt trận Tổ quốc xã, tăng ni trụ trì các chùa ở xã đã tích cực vận động người đân góp công, góp của thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Điển hình là việc các phật tử cùng tham gia, đóng góp xây dựng cầu, đường nông thôn, nhà đại đoàn kết, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều chùa được tín nhiệm giao trách nhiệm vận động tài lực và đảm trách thi công xây dựng nhà đại đoàn kết, giúp thay đổi diện mạo nông thôn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Qua đó, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới năm 2018.

Ông Hoàng Cao Bách, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Yên Phong cho biết, thời gian qua, để người dân, đặc biệt là các phật tử cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, các tăng ni đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Qua đó, công tác huy động xã hội hóa được thực hiện tốt. Từ năm 2021 đến nay, xã đã xây được 4 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Thành công trong xây dựng nông thôn mới của xã có phần đóng góp không nhỏ của đông đảo phật tử.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo" ở huyện Yên Khánh đã ghi nhận nhiều điển hình tiên tiến là người Công giáo sẵn sàn đóng góp tài sản lớn vì mục tiêu chung của cộng đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, giáo dân Nguyễn Quang Hoàn (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, cổng làng, đường điện chiếu sáng trong thôn, xóm, các công trình phục vụ cộng đồng… Là Trưởng Ban đoàn kết Công giáo huyện Yên Khánh, ông đã tích cực vận động giáo dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài.

Phật tử xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình) tham gia dọn dẹp môi trường, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Đồng hành với phong trào xây dựng nông thôn mới từ khi được phát động, giáo dân Nguyễn Quang Hoàn đã được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen do đã có nhiều thành tích trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015.

Ông Lê Hồng Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nhạc cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các chức sắc là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động giáo dân đóng góp công sức, vật lực xây dựng quê hương. Ðược các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2014. Ðể có sự đồng thuận, chung tay đóng góp xây dựng quê hương của các tôn giáo, chính quyền xã đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giữ mối quan hệ khăng khít với những người đứng đầu giáo xứ, giáo họ, các nhà sư; từ đó phát huy tốt vai trò của các linh mục, chức sắc, chức việc, nhà sư.

* Lương - giáo đoàn kết

Tỉnh Ninh Bình hiện có 318 tăng ni, trên 190.000 phật tử, chiếm 19% dân số của tỉnh. Công giáo với trên 162.000 người, chiếm 16% dân số. Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo đã đồng thuận, tích cực tham gia bằng những hoạt động thiết thực như: Hiến đất, ủng hộ kinh phí, đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục…

Phát huy giá trị tốt đẹp, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo, các cấp Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tôn giáo chung tay xây dựng mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Đến nay, toàn tỉnh có 128 xã với 849 khu dân cư thực hiện mô hình; trong đó có hơn 66,5 nghìn hộ ký cam kết, góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương, thực hiện tốt hương ước, quy ước ở khu dân cư. Các cấp Mặt trận Tổ quốc đã vận động xây dựng 52 ngôi nhà ấm tình đoàn kết; chung tay hỗ trợ học bổng cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động 15.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời…

Linh mục Antôn Thế Anh, Giáo sứ Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình) cùng giáo dân ở địa phương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. 
Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, toàn tỉnh đã huy động, vận động được nhiều cơ sở tôn giáo và các người có đạo cùng nhân dân tham gia, tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất và tài sản trên đất để phục vụ việc mở rộng đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Đồng thời đóng góp tiền của, ngày công để mở rộng khuôn viên, mua sắm thiết bị nhà văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa... Qua đó, giúp diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng đổi mới. Hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình Lê Văn Kiên đánh giá, thành công trong xây dựng nông thôn mới của Ninh Bình là thực hiện hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của toàn thể nhân dân; trong đó có sự đóng góp của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo.

Năm 2025, Ninh Bình phấn đấu được công nhận là tỉnh nông thôn mới. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ sở tôn giáo chung sức đồng lòng tham gia xây dựng các mô hình, tập trung vào an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mặt trận các cấp huy động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phải phù hợp với đặc điểm và đường hướng hành đạo của từng tôn giáo, để tạo sự gắn kết “đạo - đời tốt đẹp”. Những thành tích đạt được của Ninh Bình đã chứng minh cho tinh thần gắn bó dân tộc, quê hương của các tôn giáo trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội./.

Thùy Dung

Tin liên quan

Xem thêm