Xã hội

Các trường học ở Lai Châu thực hiện tốt chăm sóc học sinh bán trú

Lai Châu

Tỉnh Lai Châu luôn chú trọng thực hiện nuôi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của học sinh.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hua Bum, huyện Nậm Nhùn nghiêm túc học tập. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

TTXVN - Xác định công tác quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn chú trọng thực hiện nuôi dưỡng học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của học sinh.

Năm học 2023 - 2024, huyện biên giới Nậm Nhùn có 29 trường, 395 lớp và 9.741 học sinh ở các cấp học; trong đó, có 13 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 6.200 học sinh bán trú.

Để thực hiện tốt công tác bán trú, trước khi bước vào năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã yêu cầu các trường ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng có uy tín, có giấy phép kinh doanh thực phẩm còn hiệu lực. Các trường học thực hiện bếp một chiều. Những trường chưa có bếp ăn một chiều, cần nấu ăn đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh khu vực bếp ăn. Các trường lưu mẫu thức ăn sống và chín, trong quá trình chế biến thức ăn cho học sinh phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuất ăn bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay, với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, có đông học sinh bán trú, Phòng luôn chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện tốt công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Các trường chú trọng đảm bảo các bữa ăn của học sinh được thực hiện theo đúng chế độ quy định, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; trang bị đầy đủ chăn, gối cho các em, nhất là vào mùa Đông.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện đang thiếu cơ sở vật chất, một số điểm trường còn tạm bợ. Để chăm lo tốt hơn cho các em, ngành Giáo dục Nậm Nhùn mong muốn chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn cho các trường có học sinh bán trú.

Cách trung tâm thành phố Lai Châu hơn 100 km, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Hua Bum, huyện Nậm Nhùn năm học này có 495 học sinh; trong đó khối Tiểu học có 308 em, khối Trung học Cơ sở có 187 em. Toàn trường có gần 300 học sinh bán trú, đa số là người dân tộc Hà Nhì, Mông.

Chia sẻ với phóng viên, hầu hết học sinh bán trú đều thích ở lại trường. Em Phàn Lở Mẩy, học sinh lớp 8A (ở bản Nậm Cười, cách trường học 40km) chia sẻ: "Em thích ở bán trú hơn vì ở đây em được ăn ngon hơn ở nhà và được thầy cô quan tâm. Đặc biệt, ở trường em có nhiều bạn bè và không phải đi xa mỗi khi trời mưa rét".

Bữa ăn bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, công tác nuôi dạy học sinh bán trú được trường quan tâm. Ngay từ đầu năm học, Nhà trường thành lập Hội đồng xét chế độ chính sách cho học sinh, tổ chức cho các cháu ăn ở tại trường. Trường luôn cải thiện bữa ăn cho các em, yêu cầu nhà cung cấp phải đảm bảo thực phẩm tươi ngon và thường xuyên thay đổi thực đơn.

Trường sắp xếp giáo viên và thành lập Tổ nuôi ăn bán trú, phân công từng người phụ trách trong từng lĩnh vực từ quản phòng đến nuôi dưỡng học sinh; tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để các em nâng cao sức khỏe, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh. Riêng với học sinh lớp 1, để phụ huynh yên tâm gửi con, Nhà trường chỉ đạo các thầy, cô giáo tận tình hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm lo cho học sinh từ bữa ăn đến giấc ngủ. Từ đó, chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt.

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Bình, huyện Tam Đường, năm học 2023-2024 có hơn 1.000 học sinh, trong đó 231 học sinh bán trú. Cô giáo Lê Thị Thùy Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, cùng với công tác dạy học, trường đặc biệt quan tâm tới việc nuôi dạy học sinh bán trú từ khâu xét đủ điều kiện hưởng chế độ theo chính sách đến công tác nuôi dưỡng. Đối với việc nuôi dưỡng, Nhà trường hợp đồng với nhà cung ứng để đảm bảo thực phẩm sạch, tươi ngon, đạt chất lượng; thực hiện nghiêm chế độ khẩu phần ăn của học sinh. Suất ăn của các em được đa dạng, thường xuyên thay đổi thực đơn nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng; 100% học sinh được có chăn ấm trong mùa Đông và sinh hoạt đầy đủ.

Chỗ ở đầy đủ chăn ấm, phòng ngủ kín gió cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Cùng đó, Nhà trường hướng dẫn học sinh kỹ năng sống (gấp chăn màn, tắm rửa vệ sinh cá nhân và trồng rau...); thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, cờ vua, đá bóng để tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Đặc biệt, hằng tháng, trường còn tổ chức sinh hoạt bán trú nhằm khen thưởng học sinh có ý thức, nề nếp đạo đức tốt, chuyên cần và thực hiện tốt nội quy bán trú, từ đó giúp học sinh có động lực học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, xác định quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm học, Sở đã có công văn chỉ đạo các Phòng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đảm bảo các điều kiện về chỗ ở, chỗ ăn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… cho học sinh, nhất là học sinh bán trú. Các đơn vị trường phải đảm bảo việc ăn uống của học sinh đúng, đầy đủ theo các chế độ, chính sách mà Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, Sở và các Phòng Giáo dục tăng cường kiểm tra công tác quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu có 329 trường với 150.766 học sinh ở các cấp học. Để nâng cao chất lượng học và nuôi dưỡng học sinh bán trú, ngoài việc thực hiện các giải pháp của ngành Giáo dục, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm để ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng sinh hoạt bảo đảm công tác nuôi dạy bán trú, qua đó, giúp các em học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số thực hiện ước mơ đến trường vì một tương lai tươi sáng./.


Nguyễn Oanh

Xem thêm