Hầu hết các trường học tổ chức mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần và chú trọng kiểm tra thực phẩm theo các bước nghiêm ngặt.
TTXVN - Với mục tiêu đảm bảo cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả trí lực và thể lực, bên cạnh việc chú trọng nâng cao công tác giáo dục - đào tạo, các trường học, nhất là các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trong năm học 2023-2024.
Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có 45 trường tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, trong đó có 13 trường ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp suất ăn, còn lại đa số các nhà trường tự tổ chức bếp ăn… Hằng ngày, các nhà trường cung cấp hơn 9.000 suất ăn cho học sinh, do vậy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đang được các nhà trường và đơn vị cung ứng suất ăn kiểm soát chặt chẽ. Hầu hết các trường học tổ chức bếp ăn bán trú đều đã thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần và chú trọng kiểm tra thực phẩm theo 3 bước gồm: kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu. Các nhà trường chú trọng đảm bảo chất lượng bữa ăn, định lượng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định Nguyễn Thị Khuyên, lồng ghép với việc kiểm tra các hoạt động chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc công tác bán trú tại các trường học. Hiện nay, 100% các bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn huyện đều đảm bảo đúng, đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú. Chất lượng các bữa ăn từng bước được nâng lên; cán bộ, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, học sinh được khám sức khỏe định kỳ...
Xác định công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, Trường Tiểu học thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, ăn sạch, uống sạch. Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường sau 10 năm gián đoạn do chưa đủ các điều kiện về cơ sở vật chất. Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường chỉ ký kết hợp đồng với các cơ sở cung cấp có uy tín, nguồn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến, nhà trường yêu cầu các nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh, từ dụng cụ chế biến đến sơ chế, nấu ăn, chia thức ăn cho các em học sinh... Nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu bếp, khu nhà ăn riêng biệt, tủ nấu cơm, tủ sấy bát, hệ thống báo cháy tự động an toàn,...
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa Hà Thị Thanh cho biết, toàn huyện có 29 trường tổ chức bếp ăn bán trú. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn của trẻ, Phòng thường xuyên phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa giám sát tại các bếp ăn tập thể của các trường học. Ngành cũng đã hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, thực hiện nội dung “5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn”; chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Công tác tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể được đơn vị giám sát chặt chẽ…
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vạn Hà Lê Thị Hằng chia sẻ, ngoài việc chỉ nhập thực phẩm theo hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi mới, quá trình giao nhận thực phẩm cũng thưởng xuyên được kiểm tra, đánh giá chất lượng bởi các thành viên Ban kiểm soát thực phẩm nhà trường gồm Ban giám hiệu, đại diện thanh tra nhân dân của trường, giáo viên, phụ huynh... Nhà trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, thực phẩm có dấu hiệu không tươi mới, không đảm bảo chất lượng”.
Thanh Hoá hiện có gần 800 trường học có bếp ăn tập thể dành cho học sinh khối Mầm non và Tiểu học bán trú; trong đó có hơn 500 trường học có tổ chức bán trú từ 200 suất ăn trở lên do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh quản lý. Trong năm 2022, Chi cục đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, phát hiện, xử phạt hành chính 9 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học (các vi phạm về hồ sơ sổ sách, hệ thống lưới chắn côn trùng, động vật gây hại sơ sài, chưa đảm bảo theo quy định...) với tổng số tiền xử phạt hành chính là 58 triệu đồng./.