Mỗi năm, Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân; trong đó trên 600 ca bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp cấp cứu đột quỵ và bệnh lý mạch máu não.
TTXVN - Sáng 3/12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện vừa vinh dự nhận tặng Giải thưởng Diamond (Kim cương) của Hội Đột quỵ thế giới.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Giải thưởng Kim cương thể hiện tính chuyên nghiệp, tối ưu hóa trong cấp cứu và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ; góp phần giảm tỉ lệ tử vong, giảm thiểu các di chứng về vận động, nhận thức, ngôn ngữ... do bệnh lý gây nên. Đây là giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị, trung tâm đột quỵ thỏa mãn tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.
Để làm được điều này, các trung tâm cần phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn với các khoa, phòng liên quan. Quy trình xét duyệt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và hai cơ quan kiểm định quốc tế; Ủy ban về Đơn vị Đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.
Các trung tâm phải đạt tiêu chí như thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu đông không tới 30 phút (tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút). Thời gian được đâm kim can thiệp lấy huyết khối nằm trong mức tối ưu; 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên (mức tiêu chuẩn đặt ra là 45 phút). Tỷ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%. Đặc biệt, không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện.
Mỗi năm, Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân; trong đó trên 600 ca bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp cấp cứu đột quỵ và bệnh lý mạch máu não. Đơn vị còn đón một lượng lớn bệnh nhân cấp cứu, chuyển viện các ca khó, phức tạp từ tuyến dưới cũng như các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam...
Vào tất cả các ngày trong tuần, Bệnh viện Trung ương Huế đều có đội cấp cứu đột quỵ hoàn chỉnh gồm các bác sĩ, điều dưỡng nhiều chuyên khoa như đột quỵ, ngoại thần kinh, cấp cứu, can thiệp nội mạch lấy huyết khối, gây mê hồi sức, chụp CT, MRI… trực sẵn sàng. Các đội ngũ nhân lực được đào tạo chính quy, bài bản và tu nghiệp nhiều nước trên thế giới về chuyên ngành đột quỵ; hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Do đó, đơn vị có thể thực hiện được mọi kỹ thuật cấp cứu đột quỵ tiên tiến nhất trên thế giới cũng như lựa chọn phương án điều trị cần thiết, hiệu quả nhất cho những bệnh nhân đột quỵ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch. Bằng liệu pháp tái thông kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm đều được cấp cứu hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch và có thể hồi phục. Để dự phòng những trường hợp đột quỵ thể xuất huyết, bệnh nhân tăng huyết áp cần đảm bảo huyết áp lúc nghỉ dưới 130/80 mmHg bằng việc tuân thủ điều trị và kiểm tra huyết áp thường xuyên./.