Kiên Giang tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; cải cách thủ tục hành chính.
Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số cạnh tranh, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bà Quảng Xuân Lụa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, tỉnh cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với 5 chỉ số so với cả nước. Phấn đấu năm 2025, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Kiên Giang thuộc nhóm 30 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt từ 80% trở lên; hai chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số xanh (PGI) thuộc nhóm khá; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thuộc nhóm trung bình khá. Tỉnh tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: “Cải cách thủ tục hành chính”, “công khai minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”.
Cụ thể là cải cách thủ tục hành chính giải quyết đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ đối với người dân, doanh nghiệp. Tiếp đó, công khai, minh bạch thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công khai các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, danh mục dự án thu hồi đất… Tương tự, trách nhiệm giải trình tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời.
Theo đó, tỉnh phân công giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành trong tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cải thiện và nâng cao chất lượng chỉ số Par Index (đánh giá hoạt động cải cách hành chính), SIPAS, PCI, PGI, PAPI phù hợp với thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với các giải pháp khả thi, đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tập thể, cá nhân phụ trách triển khai thực hiện hiệu quả.
Tỉnh yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, khuyến khích xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình mới, cách làm hay.
Ngoài thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ trong cải thiện và nâng cao chất lượng các chỉ số cạnh tranh, tỉnh đặc biệt chú trọng tổ chức tốt các hoạt động đối thoại trực tiếp thông qua các kênh thông tin, tiếp nhận, thu thập, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa.
Các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, giảm tối đa hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại, phiền hà và nâng cao sự hài lòng, trả lời đúng, đủ, kịp thời những nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, tỉnh xây dựng văn hóa công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, vì sự hài lòng của người dân, đặc biệt là xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp, người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, cấp phép xây dựng…
Năm 2024, Kiên Giang đã tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và danh mục các dự án đầu tư cũng như vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, tập trung thu hút các dự án trọng điểm ưu tiên mời gọi đầu tư phát triển nhóm ngành kinh tế then chốt, chủ lực của tỉnh tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 748 dự án, với diện tích 31.720 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 588.725 tỷ đồng. Trong đó, có 361 dự án đã đi vào hoạt động, với quy mô khoảng 15.530 ha, tổng vốn đầu tư hơn 110.237 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 12.435 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 211.212 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện dự án, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh./.