Hệ thống pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản.
TTXVN - Hệ thống pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan một cách đồng bộ, để việc thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, hiệu quả.
Đây là nhận định được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Thành phố ngày 21/4.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tự chủ đại học là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, việc thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế khiến cơ chế tự chủ đại học chưa phát huy được hiệu quả. Trong đó, với cách hiểu nghĩa tự chủ là "tự do" và "tự lo" dẫn tới cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.
Tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Dẫn tới các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Cũng có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn "tự do" quyết định mọi việc, theo đó, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước và luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng, tự chủ.
Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản.
Về nhân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trao thẩm quyền khá rộng cho cơ sở giáo dục đại học trong việc quyết định cơ cấu tổ chức; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động cũng như quyết định nhân sự quản trị, quản lý. Thực hiện các vấn đề này đều phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành như Luật Viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ luật Lao động…
Về tổ chức, trường đại học được phép thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ và được coi là một đơn vị nằm trong cơ cấu tổ chức của trường đại học. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng lại có nhiều nội dung không cho phép các trường làm việc này.
Về tài chính, tài sản, việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản và chưa thể chủ động bởi các quy định pháp luật liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai…Nhiều quy định liên quan đến quy trình, thẩm quyền quyết định trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cũng khiến các trường gặp nhiều khó khăn, chưa thể chủ động trong nhiều hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản.
Trong khi đó, nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học còn nhiều khó khăn. Mức đầu tư cho giáo dục đại học thời gian qua đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên còn thấp so với trung bình trung trong khu vực và thế giới. Năng lực thực hiện tự chủ của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế.
Để phát huy được tối đa những lợi ích do tự chủ đại học mang lại, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cần thiết phải xây dựng được một khung pháp lý thuận lợi giúp việc thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy được sự chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, cần nghiên cứu xác định mô hình tự chủ đại học phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục đại học; xây dựng chính sách cải cách tiền lương, đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học; nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có rất nhiều đổi mới, giao quyền tự chủ cho nhà trường nhưng các luật khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác không thay đổi thì các trường cũng không thể thực hiện tự chủ đúng nghĩa. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Trong số đó cần sửa đổi quy phạm pháp luật liên quan theo hướng cơ quan chủ quản trao quyền cho Hội đồng trường thực hiện các chức năng mà cơ quan chủ quản đang làm đối với trường đại học hiện nay.
Từ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai tự chủ với mô hình Đại học Quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kiến nghị cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính nhất quán, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ. Trong đó, các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học gồm tự chủ nguồn nhân lực, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên, trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục, nghiên cứu và giảng dạy, quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường./.
- Từ khóa:
- tự chủ đại học
- giáo dục đại học