Mặc dù cách thức, phương thức lừa đảo trên mạng không mới, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội... tuy nhiên vẫn có người mắc bẫy.
TTXVN - Theo ghi nhận về tình hình an toàn thông tin của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tuần vừa qua, một số chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân lại gia tăng trên mạng xã hội. Đáng nói, cách thức, phương thức lừa đảo không mới, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội... tuy nhiên vẫn có người mắc bẫy và phải thiệt hại kinh tế.
Lừa đảo việc nhẹ lương cao
Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm việc, kiếm thêm thu nhập gia tăng. Lợi dụng tâm lý này, đối tượng xấu đã đẩy mạnh các hình thức lừa đảo. Đặc biệt, khi mọi người nói chuyện, đề cập, tìm kiếm việc làm trên điện thoại thông minh, các nền tảng mạng xã hội phổ biến, đặc biệt là Facebook, Zalo... sẽ liên tục hiển thị các quảng cáo liên quan đến việc làm. Khi người dân tò mò, xem nhiều quảng cáo, tương tác với quảng cáo qua tin nhắn, bình luận, thậm chí là gọi điện... kẻ xấu sẽ có cơ hội tiếp cận mời chào công việc để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cục An toàn thông tin cho biết, sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa cộng tác viên online "việc nhẹ lương cao" bắt đầu rầm rộ trở lại. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các câu chuyện bị lừa đảo trực tuyến hoặc lên các hội nhóm hỏi xác minh về những lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.
Chị N.T.T (Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây, chị liên tục được mời tham gia công việc là gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… để nhận tiền hoa hồng từ các cửa hàng, người bán (shop). Mức tiền nhận trung bình 10.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Đây là công việc có thể làm trên mạng, lại có thu nhập cao.
Để tham gia công việc này, chị T. được yêu cầu bỏ ra một khoản phí ban đầu là 399.000 đồng. Sau đó, chị được thêm vào một nhóm trên ứng dụng Telegram. Trong nhóm trao đổi này, đối tượng xấu đã tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách giả mạo thành viên trong hội nhóm, liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, chị T bị yêu cầu gửi một số tiền tương đối để đối ứng cọc giá trị hàng hóa. Lý do yêu cầu nộp tiền cọc hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Nạn nhân khi phát hiện ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc đã bị đối tượng xấu chặn tài khoản, không thể liên lạc.
Với những trường hợp như trên, Cục An toàn thông tin liên tục đưa ra cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân trước chiêu trò tương tự. Mọi người cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã xác thực 1 lần (OTP), số thẻ ngân hàng... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
Giả mạo công an để lừa đảo
Ngày 17/1/2024, bà T. (sinh năm 1965, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, thông báo rằng bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn trên Zalo.
Sau khi kết bạn qua mạng xã hội Zalo, bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong gọi điện thoại có hình ảnh (video-call) yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Do nhìn thấy hình ảnh thông qua cuộc gọi video, bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng. Ngay sau đó, bà T. biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Công an tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển ngay tiền vào tài khoản ngân hàng của cá nhân.
Hiện nay, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự phát triển của các công nghệ, đặc biệt sự hoàn thiện của công nghệ giả dạng hình ảnh, giọng nói (deepfake), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cùng những tổng hợp dữ liệu (data) mà người dùng cung cấp trên mạng... để tiến hành các hành vi lừa đảo.
Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp. Để phòng tránh tình trạng trên tái diễn, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức để tự bảo vệ trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, mọi người tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để thực hiện lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, những người trẻ trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người cao tuổi trong gia đình để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối người bị hại không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để tiếp tục bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo./.
- Từ khóa:
- Lừa đảo
- mạng xã hội
- cảnh báo
- chiếm đoạt tiền