Cảnh sát cơ động cũng một trong những lực lượng được xác định sẽ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025.
TTXVN - Lực lượng Cảnh sát cơ động là một thành phần rất đặc biệt trong Công an nhân dân, được coi là “lá chắn thép” để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ toàn lực lượng Cảnh sát cơ động nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
* Lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc
Những năm qua, lực lượng Cảnh sát cơ động đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Cảnh sát cơ động luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm, chiến đấu hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Lực lượng Cảnh sát cơ động đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các chuyên án hình sự, ma túy đặc biệt nguy hiểm.
Những kết quả nổi bật của lực lượng Cảnh sát cơ động trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, như: Tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam; tăng cường lực lượng hỗ trợ Campuchia đấu tranh chống chế độ Khmer Đỏ năm 1978 và 1979; truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên những năm 1980; giải quyết các vụ gây rối an ninh, trật tự, các “điểm nóng” nông thôn năm 1997; giải quyết các vụ việc gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp tại Tây Nguyên; vụ việc lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để tuyên truyền chống phá Nhà nước tại xã Hra, huyện Măng Yang, Gia Lai năm 2012. Hay như việc tăng cường cán bộ, chiến sĩ bảo đảm an ninh, trật tự tại Tuyên Quang do đối tượng Dương Văn Mình cầm đầu năm 2013; ngăn chặn hành vi gây rối an ninh, trật tự tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016; vụ tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động của một số đối tượng âm mưu lập “Nhà nước Mông” tại huyện Mường Tè, Lai Châu năm 2020…
Gần đây nhất là vụ việc nhóm đối tượng khủng bố sử dụng vũ khí tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Tư lệnh và 1 Phó Tư lệnh khẩn trương vào Đắk Lắk để trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Đồng thời huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của các Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 với đầy đủ vũ khí, phương tiện phối hợp với Công an Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy tiến hành truy xét nhanh, khép chặt vòng vây, nhằm bắt giữ nhanh các đối tượng khủng bố. Tính đến hết ngày 20/6/2023 lực lượng Cảnh sát cơ động đã truy bắt thành công 115 đối tượng trực tiếp và liên quan thu giữ nhiều tang vật liên quan như ô tô, xe mô tô, súng, lựu đạn, dao…, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý, nhanh chóng ổn định tình hình và trả lại sự bình yên cho Tây Nguyên.
Trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, lực lượng Cảnh sát cơ động trực tiếp tham gia, phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét các băng, nhóm tội phạm có tổ chức: băng, nhóm Khánh Trắng, Năm Cam; các băng, nhóm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở các tỉnh Tây Bắc (chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); các vụ án kinh tế, buôn lậu và gian lận thương mại xảy ra ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh...
Trong đấu tranh với tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, lực lượng Cảnh sát cơ động đã giải cứu con tin thành công các vụ xảy ra ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh…
* Tiến thẳng lên hiện đại
Đáng chú ý, Cảnh sát cơ động cũng một trong những lực lượng được xác định sẽ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bám sát tinh thần của Nghị quyết số 12, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tập trung hoàn thiện thể chế về chính trị, pháp lý cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Việc thông qua Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã tạo điều kiện về cơ sở pháp lý, tăng cường sức mạnh cho lực lượng công an nhân dân đánh dấu bước đột phá chuyển mình, khẳng định vị trí vô cùng quan trọng của lực lượng Cảnh sát cơ động trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về tổ chức, Luật Cảnh sát cơ động có nhiều điểm mới như bổ sung lực lượng Cảnh sát kỵ binh; Trung đoàn không quân Công an nhân dân; bổ sung thêm thẩm quyền cho cảnh sát cơ động... Những điều này góp phần tăng thêm sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát cơ động, đủ khả năng cơ động nhanh, giải quyết các tình huống khẩn cấp, phức tạp về an ninh trật tự, trấn áp các loại tội phạm trong tình hình mới, điển hình là vụ truy bắt nhóm đối tượng khủng bố tại Đắk Lắk vừa qua. Với thẩm quyển mới được bổ sung trong Luật Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng kịp thời tham gia truy bắt các đối tượng phản động đang lẩn trốn tại những địa điểm rừng núi hiểm trở, khó khăn nhất ở Đắk Lắk.
Việc hiện đại hóa nguồn nhân lực theo tinh thần của Nghị quyết 12 được thể hiện rất rõ trong luật khi một số quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động được bổ sung cùng với việc hoàn thiện thể chế chính trị pháp lý. Ngày 31/3/2021, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy là động lực, nâng cao trình độ, tinh nhuệ về nghiệp vụ, vững mạnh về chính trị; tư tưởng là then chốt; hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật là trọng tâm. Việc xây dựng con người là yếu tố trung tâm, cốt lõi, với trọng tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ “tự soi, tự sửa”, giữ gìn uy tín của lực lượng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc xây dựng hình ảnh người Cảnh sát cơ động trong lòng nhân dân thì yếu tố con người là hết sức quan trọng.
Sự đầu tư lớn về tiềm lực hậu cần kỹ thuật và hiện đại hóa nguồn nhân lực thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện giải pháp trọng tâm đột phá.
* Nâng cao hiệu quả trong trấn áp tội phạm
Theo Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả vai trò trong tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, lực lượng Cảnh sát cơ động tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp vũ trang đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động, phần tử khủng bố và số cực đoan chống đối trong tôn giáo. Cảnh sát cơ động phối hợp có hiệu quả với Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh trấn áp các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, tín dụng đen, tội phạm có yếu tố nước ngoài… bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Lực lượng Cảnh sát cơ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ, chiến thuật và năng lực chỉ huy, điều hành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện tốt công tác huấn luyện thường xuyên, huấn luyện nâng cao, huấn luyện thể lực, huấn luyện phương án tác chiến, phương án tuần tra, bảo vệ mục tiêu. Thực hành diễn tập phương án phòng, chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp ở cấp độ cao, xảy ra liên tỉnh, liên vùng; sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó là tập trung xây dựng lực lượng, kiện toàn quân số, cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với lộ trình chung của Bộ Công an, đảm bảo tính chiến lược, khoa học và hiệu quả.
Lực lượng Cảnh sát cơ động tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục truyền thống, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, việc chấp hành quy chế, quy trình công tác, kỷ luật phát ngôn, điều lệnh. Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu với quân số tham gia lớn, trong thời gian dài tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo khi có yêu cầu... Trang bị các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không nhằm nâng cao tính cơ động chiến đấu; khảo sát, mua sắm, bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Cảnh sát cơ động tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan, các ngành, các cấp, với quân đội, theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định để phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự./.
- Từ khóa:
- Cảnh sát cơ động