Tỉnh đoàn Khánh Hòa tạo ra nhiều sân chơi để thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng, thanh niên trong tỉnh nói chung có cơ hội khởi nghiệp, kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp với các nhà đầu tư.
Lực lượng thanh niên dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa ngày nay có nhiều mô hình, sản phẩm khởi nghiệp, lập nghiệp hiệu quả. Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã tích cực hỗ trợ, làm cầu nối phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của họ đến với các nhà đầu tư tiềm năng.
Mới đây, tại Hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2024, Huyện đoàn Khánh Sơn đã mang đến những nông sản chất lượng cao như: Măng, nấm linh chi, chuối mồ côi, bưởi… Đây là những sản phẩm đặc trưng vùng, được thanh niên dân tộc thiểu số tự tay sản xuất và đông đảo nhân dân trong tỉnh quan tâm, ưa chuộng. Đa số khách hàng, đều đánh giá cao và hài lòng khi được thưởng thức nông sản xanh, sạch Khánh Sơn.
Anh Cao Nguyệt (sinh năm 1991), một thanh niên người Raglai ở Khánh Sơn “trình làng” sản phẩm nấm linh chi có giá trị dược liệu và kinh tế cao. Anh cho biết, nấm linh chi chỉ là một trong những sản phẩm khởi nghiệp của Tổ hợp tác nông sản Tà Giang 2, huyện Khánh Sơn. Ở Tổ hợp tác, các thanh niên tham gia đều có những sản phẩm nông sản riêng biệt. Tổ hợp tác không chỉ bán sản phẩm tự làm ra mà còn thu mua các loại bưởi, sầu riêng, măng cụt… sau đó bán lại cho các doanh nghiệp lớn. Nhờ đó, có nguồn thu, tạo việc làm hiệu quả cho thanh niên địa phương và nhiều người dân trong vùng.
Từ lúc tham gia công tác Đoàn, khởi nghiệp với việc thành lập Tổ hợp tác nông sản Tà Giang 2 đến nay, đời sống của anh Nguyệt và các thành viên có thay đổi tích cực. Tổ hợp tác không còn hộ nghèo, gia đình anh Nguyệt cũng thoát nghèo cách đây 4 năm. Chính động lực này đã giúp anh gắn bó với việc phát triển Tổ hợp tác lớn mạnh hơn, đa dạng loại hình hoạt động. Tổ hợp tác đang tiến hành trồng nấm linh chi thay vì hái và thu mua nấm linh chi tự nhiên như trước đây. Việc đầu tư dây chuyền, sản xuất nấm linh chi theo công nghệ hiện đại sẽ góp phần tăng năng suất, hiệu quả của nấm; đồng thời giúp thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số có chuẩn làm việc hiện đại, khoa học, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng và đảm bảo điều kiện chất lượng sản phẩm OCOP.
Không riêng anh Nguyệt mà rất nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn với ý chí lập thân, lập nghiệp đã làm nên những thương hiệu, tên tuổi cho sản phẩm nông sản địa phương. Từ đó, thúc đẩy thương hiệu trái cây Khánh Sơn, Khánh Hòa vươn xa.
Theo chị Mấu Thị Mộng Mơ, Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn, nhiều thanh niên đã sáng tạo trong công việc, biết định hướng phát triển theo chuỗi sản phẩm, không còn làm riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm” như trước đây. Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thanh niên người dân tộc thiểu số nói riêng, thanh niên Khánh Sơn nói chung còn hạn chế trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm có chất lượng cao, nhưng giá thành vẫn thấp là do thiết kế mẫu mã, bao bì chưa thu hút khách hàng.
“Huyện đoàn Khánh Sơn định hướng cho thanh niên phát triển những sản phẩm có tiềm năng trong quá trình khởi nghiệp cần phải “bắt mắt” về hình thức, đẩy mạnh quảng bá ở các hội chợ lớn để giới thiệu sản phẩm. Huyện đoàn Khánh Sơn rất cần sự hỗ trợ của Đoàn cấp trên trong việc tập huấn kỹ năng viết tin bài quảng bá sản phẩm, sản xuất clip trên mạng xã hội để bán các sản phẩm do thanh niên làm ra”, chị Mơ chia sẻ.
Những năm qua tổ chức Đoàn, Hội luôn xác định việc đồng hành với thanh niên trong tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Việc đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khánh Hòa không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của thanh niên khởi nghiệp, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn tạo môi trường cho các sản phẩm có thể tiếp cận, quảng bá đến đông đảo khách hàng tăng doanh thu, lợi nhuận kinh doanh. Từ đây, tổ chức thanh niên tạo nên hiệu quả trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết, thực tế cho thấy ở các hội chợ, sản phẩm của thanh niên vùng dân tộc thiểu số rất đa dạng và phong phú, từ những món đồ thủ công truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đến những sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm công nghệ sáng tạo. Tất cả đều là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm đam mê và sự sáng tạo của các bạn thanh niên. Tỉnh đoàn Khánh Hòa cũng tạo ra nhiều sân chơi để thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng, thanh niên trong tỉnh nói chung có cơ hội khởi nghiệp, kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Đặc biệt, dự án Du lịch về Khánh Sơn của thanh niên địa phương đã giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Khánh Hòa lần thứ 2 năm 2023. Đây là động lực để các bạn trẻ cùng nhau phát huy ý tưởng và mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp thời gian tới.
Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa tin rằng, thông qua đa dạng các hoạt động thúc đẩy quảng bá sản phẩm, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng, thanh niên Khánh Hòa nói chung sẽ tìm được những đối tác tin cậy, mở rộng thị trường và đưa sản phẩm của mình đến với nhiều khách hàng hơn nữa; tương lai của khởi nghiệp tại Khánh Hòa sẽ ngày càng tươi sáng./.