Bình Dương là một địa phương đang phải đối diện với tình trạng thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu. Để bảo vệ tương lai, tỉnh cần những chiến lược ứng phó kiên quyết và hiệu quả hơn.
Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành thực tế thách thức, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Bình Dương cũng đang phải đối diện với tình trạng thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu, làm thay đổi hoàn toàn nhịp sống thường nhật của người dân.
Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, khí hậu ở đây đã có nhiều thay đổi đáng chú ý. Nhiệt độ trung bình tăng 0,03°C mỗi năm, lượng mưa tăng 17,1 mm/năm, gió mạnh hơn, số giờ nắng giảm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng tăng, ngày mưa nhiều hơn, lượng mưa cao nhất trong ngày tăng.
Ước tính, thiệt hại do thiên tai tại Bình Dương trong giai đoạn 2013-2022 trung bình khoảng 37 tỷ đồng mỗi năm nhưng sẽ tăng lên khoảng 125 tỷ đồng mỗi năm từ nay đến năm 2030 và lên tới hàng nghìn tỷ đồng vào năm 2050. Để bảo vệ tương lai, Bình Dương cần những chiến lược ứng phó kiên quyết và hiệu quả hơn.
Bình Dương hiện là một trong những điểm sáng về đô thị hóa của cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh là 85%, cao gần gấp đôi mức trung bình cả nước (42-43%). Tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước với 5 thành phố trực thuộc, gồm: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.
Thế nhưng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị khiến hệ thống thoát nước hiện tại chưa đáp ứng kịp với điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Ví dụ, khu vực suối Giữa ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, dù cách thành phố mới Bình Dương hơn 10km, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nước đổ về suối gây ngập úng, thậm chí chia cắt tuyến đường huyết mạch Hồ Văn Cống. Người dân phải đối mặt với tình trạng ngập lụt thường xuyên, khiến giao thông trở nên khó khăn. Ông Trần Lễ Trí, cư dân lâu năm, chia sẻ: “Trong năm 2024, khu vực này đã ít nhất 5 lần bị ngập, khiến cuộc sống bị đảo lộn.”
Tình trạng ngập úng không chỉ diễn ra ở suối Giữa mà còn ở các khu vực có mật độ khu công nghiệp cao như Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Hệ thống cống thoát nước nhỏ và chưa đồng bộ, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thoát nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước ban đầu được thiết kế cho quy mô nhỏ, nhưng đô thị hóa nhanh chóng và các lưu vực khác kết nối vào hệ thống chung, khiến khu vực hạ du chịu áp lực lớn trong việc tiêu thoát nước. Khi mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, ngập cục bộ ở đô thị là điều khó tránh khỏi.
Ở thành phố Thủ Dầu Một Cứ mưa xuống là ngập. Anh Trần Ẩn, người dân địa phương cho biết: Thủ Dầu Một vốn cao ráo, việc bị ngập khiến ai cũng bất ngờ. Trước đây chỉ vài chục hộ bị ảnh hưởng, giờ đã lan rộng, hàng trăm căn nhà chịu cảnh ngập sau mỗi trận mưa.
Thế nên giờ đây, với nhiều người dân, ngập lụt đã trở thành một phần của cuộc sống, họ buộc phải thích ứng để mưu sinh.
Đầu tháng 11 vừa qua, trung tâm thành phố Thủ Dầu Một xuất hiện hai thanh niên chèo thuyền giao đồ ăn qua con đường Thích Quảng Đức bị ngập nước.
Nguyên nhân là chỉ sau một trận mưa, con đường đông đúc này biến thành “dòng sông” giữa phố. Những nhân viên của quán bánh B.C.G, chèo thuyền giao hàng cho khách tại ngã ba Cống.
Chị chủ quán bánh canh 289 cũng phải kiên nhẫn lội nước đưa từng gói đồ ăn cho khách đứng đợi ở ngoài khu vực chính quyền căng dây ngăn không cho xe qua lại.
Chị Phạm Thị Thùy Linh, người bán nệm gối tại ngã ba Cống hơn 10 năm, chia sẻ: “Năm nay nước ngập trầm trọng hẳn, buôn bán khó khăn. Mưa xong nước lên nhanh lắm, dù đã nâng nền cao nhưng nhiều lúc nước vẫn vào nhà”.
Còn ở ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, những lô cao su xanh mướt trở thành cánh đồng ngập nước suốt nhiều tháng qua. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024, nước ngập lên đến 50cm khiến người dân không thể cạo mủ cao su.
Chị Lê Thị Mùi (45 tuổi), nông dân thuê đất trồng cao su ở huyện Bàu Bàng chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi phải chèo thuyền trong lô cao su, cảm thấy rất lạ”. Mùa thu hoạch năm nay đình trệ mấy tháng vì nước ngập đến mép chén thu hoạch mủ.
Giữa cánh rừng cao su vốn khô ráo, cảnh những chiếc thuyền nhỏ được sử dụng để đi kiểm tra cây bị ngập thật hiếm gặp. Đây là sáng kiến của anh Nguyễn Văn Sang (hay còn gọi Bảy Sang), nông dân địa phương. Anh Sang chia sẻ: “Tôi dùng thuyền để vừa bắt ốc vừa kiểm tra cây cối bị ngập”.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và ngập úng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, tập trung vào các giải pháp chống ngập và tiêu thoát nước. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai để giảm thiểu thiên tai và bảo vệ cuộc sống người dân.
Đáng chú ý là hệ thống thoát nước cho thị trấn Dĩ An và khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, diện tích hơn 2.356 ha. Dự án này đã giúp khu vực trung tâm Dĩ An thoát khỏi tình trạng ngập lụt thường xuyên sau mỗi trận mưa lớn. Anh Trần Văn Hùng, cư dân phường Dĩ An, cho biết: “Tình trạng ngập lụt đã giảm rõ rệt, cuộc sống người dân cải thiện đáng kể.”
Dự án quan trọng khác là hệ thống kiểm soát ngăn triều và chống ngập mặn Bình Nhâm, thành phố Thuận An, với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công trình này bảo vệ các khu vực ven sông Sài Gòn khỏi triều cường và xâm nhập mặn. Anh Lê Văn Hữu, nông dân phường Bình Nhâm, chia sẻ: “Nhờ công trình ngăn triều, vườn măng cụt của gia đình không còn bị ngập, cây cối phát triển tốt hơn.”
Tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ nguồn nước và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý hạ tầng đô thị. Từ đó từng bước khắc phục tình trạng ngập úng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh khẳng định, Ban cam kết hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là cam kết của Bình Dương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện tỉnh đã và đang triển khai các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng công trình phòng, chống triều cường và cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như suối Siệp và ngã ba Cống.
Phần suối ở phía Bình Dương đã được mở rộng và hoàn thiện nhưng phần cuối suối thuộc tỉnh Đồng Nai chưa được đầu tư do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Do đó, mỗi khi mưa lớn, nước từ Bình Dương đổ về nhanh nhưng bị ứ lại, dẫn đến ngập nghiêm trọng.
Còn tại ngã ba Cống, dự án cải thiện hệ thống thoát nước đã được phê duyệt từ năm 2021 và khởi công vào tháng 5/2023. Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc, trong đó các hạng mục quan trọng như cống qua đường Thích Quảng Đức và cầu Bà Hên đã hoàn thiện.
Kênh Thầy Năng có nhiệm vụ thoát nước cho điểm ngập ngã ba Cống được mở rộng từ 3m lên hơn 13m, tăng gấp 4,3 lần khả năng thoát nước. Tuy nhiên, dự án đang vướng do một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Do đó, công trình này dự kiến đến tháng 12/2024 mới hoàn thành.
Ngoài ra, để nâng cao khả năng dự báo và ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (Trung tâm IOC) đã tích hợp hệ thống giám sát camera tại các trục đường và khu vực quan trọng. Hệ thống này giúp quản lý và cảnh báo kịp thời các vấn đề như an toàn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, bão và ngập lụt, hỗ trợ cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hiệu quả.
Ngoài ra, IOC còn tích hợp hệ thống giám sát toàn diện việc xả thải của các khu công nghiệp, theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường 24/24, xử lý kịp thời vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Hiện nay, IOC Bình Dương tích hợp nhiều nền tảng giám sát và điều hành trên toàn tỉnh, với 146 bảng điều hành phục vụ quản lý từ tỉnh đến xã. Hệ thống hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo hằng ngày, đã kết nối 13/19 sở, ban, ngành và hoàn thiện triển khai tại 9 huyện, thị, thành phố, với quyền truy cập đến 91 xã, phường. Dữ liệu được truyền tải qua nền tảng web, ứng dụng di động và màn hình lớn, có chức năng tự động trình chiếu trên các màn hình điều hành hằng ngày qua ứng dụng “Chính quyền số Bình Dương”.
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, và Bình Dương cũng không ngoại lệ. Trong phát triển các khu công nghiệp và hạ tầng, tỉnh đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu—mục tiêu dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững.
Đầu tháng 11, tại Khu công nghiệp Việt Nam–Singapore 3 (VSIP 3), nhà máy LEGO—cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn trung hòa carbon đã được vận hành thử nghiệm thành công. Dự án trị giá 1,3 tỷ USD này không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn gắn liền trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Nhà máy vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ hệ thống pin mặt trời và trang trại năng lượng gần đó, giảm đáng kể khí thải carbon. Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành toàn cầu của LEGO chia sẻ: “Chúng tôi chọn Bình Dương vì môi trường đầu tư ổn định và chính quyền tạo điều kiện cho công nghệ xanh. Chúng tôi cam kết giảm thiểu tác động môi trường và tiếp tục các sáng kiến giảm biến đổi khí hậu.”
Chuyển đổi từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao và xanh là chiến lược của Bình Dương trong ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án như nhà máy LEGO không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quản lý và giám sát cũng là giải pháp quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu. Tại Bình Dương, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông minh, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí sản xuất và phát thải khí nhà kính.
Bình Dương cũng chú trọng ngành công nghiệp gỗ, đang chuyển đổi mạnh mẽ áp dụng công nghệ xanh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, chia sẻ: “Ngành gỗ cần đổi mới toàn diện, sử dụng nguyên liệu chế biến, giảm phát thải carbon, mở rộng cơ hội xuất khẩu.”
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Wows Group cho rằng chuyển đổi số và công nghệ xanh trong sản xuất là chiến lược quan trọng để ngành gỗ Bình Dương hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bình Dương cũng chú trọng ngành công nghiệp gỗ, đang chuyển đổi mạnh mẽ áp dụng công nghệ xanh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, chia sẻ: “Ngành gỗ cần đổi mới toàn diện, sử dụng nguyên liệu chế biến, giảm phát thải carbon, mở rộng cơ hội xuất khẩu. ”Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Wows Group cho rằng chuyển đổi số và công nghệ xanh trong sản xuất là chiến lược quan trọng để ngành gỗ Bình Dương hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bình Dương đi đầu trong phát triển công nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ xanh trong các khu công nghiệp. Tỉnh có 28/29 khu công nghiệp đã hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,77%. Bình Dương thu hút 4.342 dự án FDI với tổng vốn hơn 41 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tỉnh đối mặt thách thức giảm phát thải khí nhà kính; lượng khí thải đạt 14,192 triệu tấn CO₂/năm, chủ yếu từ năng lượng và giao thông.
Do đó, tỉnh đã triển khai biện pháp giảm phát thải, đặc biệt trong công nghiệp nặng như luyện kim, chế biến thực phẩm và gỗ. Bình Dương nỗ lực chuyển đổi công nghiệp sang mô hình xanh hơn, áp dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, nhằm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Bình Dương đẩy mạnh phát triển kinh tế số và công nghiệp thông minh.
Tại Diễn đàn Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ghi nhận kết quả đáng khích lệ của cả nước và Bình Dương. Phó Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số và "xanh hóa" kinh tế là xu hướng đúng đắn, giúp giảm tác động xấu đến môi trường, bảo vệ chất lượng sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khu công nghiệp, triển khai 6 khu công nghiệp thông minh. Các khu này áp dụng nền tảng quản trị thông minh, tích hợp công nghệ như tự động hóa, AI, IoT và 5G. Trong đó, tập trung phát triển công nghệ thông tin và bán dẫn, thu hút đầu tư vào sản phẩm điện tử, vi mạch, AI và an ninh mạng. Bình Dương cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới để giảm tác động môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bình Dương đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển bền vững, với các dự án xanh, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là chiến lược phát triển bền vững mà còn là cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh, hài hòa giữa con người, doanh nghiệp và thiên nhiên, hướng tới một tương lai an toàn và thịnh vượng.../.
Nội dung: Dương Chí Tưởng
Biên tập nội dung: Thanh Giang
Ảnh, Video: TTXVN, Vnews
Thiết kế, trình bày: Minh Huệ