Thông qua hội thảo nhằm cập nhật, tích hợp, thảo luận về cách ứng phó để thích nghi với biến đổi khí hậu gắn với từng vùng bản địa đất nước.
Ngày 16/11, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, theo đánh giá của các tổ chức chuyên môn có uy tín thế giới, Việt Nam nằm trong số ít nước ở vùng bị ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất cần những giải pháp thực tiễn, kịp thời và hiệu quả cao. Lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc – xây dựng theo cấu trúc chung sẽ là những mũi nhọn, thuộc nhóm phải đi đầu trong đề xuất các giải pháp nền tảng cho vấn đề này. Thông qua hội thảo nhằm cập nhật, tích hợp, thảo luận về cách ứng phó để thích nghi với biến đổi khí hậu gắn với từng vùng bản địa đất nước.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc đầu ngành, nhiều nhà quản lý, các kiến trúc sư đã trao đổi, tham luận về: Chiến lược phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; chiến lược quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và những bài học kinh nghiệm trên thế giới; ứng dụng các bài học kiến trúc bản địa vào mô hình kiến trúc nhà ở thích ứng đương đại miền Nam Việt Nam; thiết kế thụ động và tận dụng các yếu tố bản địa trong công trình nhà ở Việt Nam…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động đáng kể đến tỉnh Vĩnh Long nói riêng, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, mức triều cường tại sông Cửu Long đã tăng khoảng 15 - 20 cm, dẫn đến ngập lụt ngày càng thường xuyên hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các công trình, các khu vực ven sông, đất thấp cũng bị xói mòn nhanh chóng, đe dọa hạ tầng kỹ thuật và các công trình ngầm. Bên cạnh đó, hiện tượng xâm nhập mặn ở Vĩnh Long ngày càng phức tạp, lan rộng, trong đó những khu vực có độ mặn lên tới 4 phần ngàn vào mùa khô, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt. Sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, giông lốc, mưa lớn tác động mạnh mẽ đến Vĩnh Long, buộc các công trình phải xây dựng với kết cấu bền vững hơn để chống chịu tốt hơn. Lượng mưa lớn kết hợp triều cường thường gây ra tình trạng lũ lụt tại các khu vực trũng thấp. Những tác động này đang đặt ra nhiều thách thức cho việc quy hoạch – kiến trúc. Việc xây dựng công trình của các đô thị phải thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó, vấn đề phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết.
Ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để thảo luận và tìm ra những giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng một tương lai bền vững, thịnh vượng cho cộng đồng./.