Xã hội

Nhiều giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu

Hải Phòng

Phòng, chống thiên tai khắc phục hậu quả đạt kết quả tốt và thành công khi có sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và người dân.

Bão số 3 đổ bộ đất liền
Ảnh: Nguyễn Quang Hải - TTXVN

Trước những thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra tại Hải Phòng, nhiều bài học và kinh nghiệm quý trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu đã được ngành nông nghiệp thành phố đưa ra.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có hơn 25.500 ha lúa, hơn 3.300 ha hoa màu, rau màu cùng 1,9 triệu cây cảnh bị hư hại, hơn 5.000 gia súc, 1 triệu gia cầm bị chết cùng hàng chục nghìn m2 nhà trại, nhà xưởng bị hư hỏng, hơn 4.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ngành nông nghiệp phải gánh chịu ước tính 5.400 tỷ đồng.

Về phía người dân nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, sau cơn bão số 3, các đơn vị sản xuất nông nghiệp sẽ rút ra thêm bài học trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ cần tính tới cả tình huống thiên tai cực đoan như bão số 3.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, bài học quan trọng đầu tiên trong ứng phó cơn bão số 3 là việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, lũ còn chưa cụ thể, trực quan, người dân chưa hình dung được những thiệt hại khi bão đổ bộ trực tiếp cũng như những tác động sau bão. Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến khả năng phản ứng, chuẩn bị phòng chống bão còn nhiều hạn chế.

Các tàu, thuyền neo đậu thành từng dãy để nâng cao hiệu quả ứng phó với bão số 3.
Ảnh: Nguyễn Vân - TTXVN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng đã tổng kết lại 5 bài học kinh nghiệm để phòng chống các cơn bão trong thời gian tới. Cụ thể, phòng, chống thiên tai khắc phục hậu quả đạt kết quả tốt và thành công khi có sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và người dân; cần coi trọng phòng ngừa thiên tai từ khâu xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo tính khả thi và chuẩn bị nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách thực chất, sẵn sàng, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Cùng đó, thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo cần được các địa phương, đơn vị tăng cường, điều chỉnh, qua những hình ảnh trực quan về tác động của bão cho từng đối tượng: nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,… giúp nâng cao ý thức của người dân và chính quyền về mức độ tàn phá của bão, lũ, tránh tư tưởng chủ quan; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tích cực giữa các cơ quan chức năng thành phố, các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn thành phố và các tổ chức, cộng đồng khác để khắc phục hậu quả bão, đưa đời sống kinh tế - xã hội thành phố hoạt động bình thường.

Trong quá trình khắc phục hậu quả bão, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp chính quyền cần kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân và doanh nghiệp chung tay khắc phục hậu quả bão; đồng thời tiếp nhận và điều phối các nguồn hỗ trợ kịp thời, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi các hoạt động./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm